Nuôi bò giữa khu dân cư

Đến khu phố 4 và 5 phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TPHCM), ai cũng thấy khó thở vì mùi hôi từ phân bò. Giữa khu dân cư ở đô thị lại có 3 chuồng bò được nuôi ngay trong hộ gia đình, mỗi chuồng có đến 15 - 20 con. Người dân tại khu phố 5 đang rất khổ sở và lo lắng về nạn ô nhiễm từ chăn nuôi.
Nuôi bò giữa khu dân cư

Đến khu phố 4 và 5 phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TPHCM), ai cũng thấy khó thở vì mùi hôi từ phân bò. Giữa khu dân cư ở đô thị lại có 3 chuồng bò được nuôi ngay trong hộ gia đình, mỗi chuồng có đến 15 - 20 con. Người dân tại khu phố 5 đang rất khổ sở và lo lắng về nạn ô nhiễm từ chăn nuôi.

Ngửi mùi hôi lâu cũng… quen

Có chuồng được rào lưới B40, có chuồng chỉ rào cây đơn giản, thậm chí có một chuồng được dựng sát đường đi, cỏ ăn cho bò chất tràn ra đường, gà vịt chạy tung tăng trên đường bê tông. Xen kẽ và bao xung quanh các hộ nuôi bò có nhiều nhà dân và các dãy nhà trọ, cách đó hơn 10m còn có chung cư Thái An với rất nhiều cư dân. Mật độ xây dựng dày đặc vây kín chung quanh nên mùi hôi từ các chuồng bò rất nồng nặc. Một điều rất đáng lo là cách khu chuồng bò này khoảng 40m có một trường mầm non đang hoạt động và một trường tiểu học đang được xây dựng.

Trụ sở ban điều hành khu phố 5 cũng cách các chuồng bò khoảng 40m. Ông Vũ Văn Diệp, Trưởng ban điều hành khu phố 5, cho biết có nhận được phản ánh của người dân về mùi hôi từ các chuồng bò, cho nên ông Diệp dự kiến sẽ đưa vấn đề này ra cuộc họp dân giữa năm để lấy ý kiến người dân, cũng như yêu cầu các hộ chăn nuôi bò có các biện pháp xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Ông Trần Trung Hòa, Phó trưởng Ban điều hành khu phố 5, cho biết thêm: “Các hộ này nuôi bò từ cả chục năm trước, thời có phong trào khuyến khích chăn nuôi trên địa bàn. Nhưng tôi chưa thấy có ý kiến phản ánh nào của cư dân trong khu phố về chuyện ô nhiễm. Có thể những hộ dân mới mua đất ở đây xây nhà không chịu được mùi hôi, còn người dân sống lâu năm ở đây thì ngửi mùi hôi lâu cũng quen rồi. Với lại những người cư ngụ lâu ở đây đều là anh em, bà con với các hộ nuôi bò, nên không phàn nàn. Hàng năm ban điều hành khu phố đều có báo cáo về tình hình các hộ nuôi bò này lên phường, quận, nhưng chưa thấy có thông tin chỉ đạo nào liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm do nuôi bò” (?!).

3 chuồng bò được nuôi ngay trong hộ gia đình, mỗi chuồng có đến 15 - 20 con

Đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của quận 12, thì nơi đây là khu dân cư, hẳn nhiên không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư.

Nuôi 109 con bò trong khu phố 5

Sau khi nhận được thông tin của phóng viên Báo SGGP về chuyện nuôi bò trong khu dân cư ở phường Đông Hưng Thuận, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết đã cử người xuống nắm tình hình và ghi nhận chỉ riêng tại khu phố 5 còn 5 hộ nuôi bò sữa với tổng cộng 109 con (toàn quận 12 hiện còn 11 hộ nuôi bò sữa, tổng cộng 180 con). Hàng năm, ngành thú y địa phương có đến các hộ này tiêm phòng, đồng thời có 3 đợt thực hiện tiêu độc khử trùng và đề nghị người chăn nuôi mua thuốc phun xịt thường xuyên. Ông Phát cho hay: “Không thể nào ngăn chặn phát sinh mùi hôi từ phân bò hoặc một số loại thức ăn khác như hèm bia, các loại thức ăn lên men khác. Phân và nước thải trong chăn nuôi bò sữa có thể xử lý theo hình thức biogas, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để giảm thiểu tác động đến môi trường, nhưng mùi hôi là điều không thể tránh khỏi, vì nguồn thức ăn cho bò sử dụng từ hèm bia, thức ăn lên men; mùi phân xử lý thế nào cũng không thể tránh phát tán. Theo quy định thì không được chăn nuôi trong khu dân cư. Tuy nhiên, các hộ này đã nuôi bò hơn chục năm trước, khi tốc độ đô thị hóa chưa cao và người dân chưa ở đông như hiện nay. Vì thế cũng khó xử lý, cũng không thể bắt người dân một sớm một chiều di dời được. Theo định hướng của quận 12 thì đến năm 2025 mới không còn hộ chăn nuôi trên địa bàn quận”.

Bác sĩ Ngô Cao Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng và môi trường trường học (Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM), khẳng định: “Việc nuôi bò phải cách ly khu dân cư, nếu nằm xen lẫn khu dân cư như thế chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mà trước hết là ảnh hưởng đến chính người chăn nuôi. Hàng ngày lượng phân thải ra rất nhiều, nếu xử lý không triệt để sẽ phát sinh ruồi, dòi, bọ, phát tán mầm bệnh. Nước thải cũng là một vấn đề khó kiểm soát như xử lý ra sao, có đạt yêu cầu không, đổ đi đâu… Vệ sinh chuồng trại không đúng cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường”. Để xác định mức độ và tính chất ô nhiễm, bác sĩ Lẫm cho biết: “Trước mắt, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM sẽ yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 kiểm tra lại về quy mô, vị trí, thời gian nuôi…, nếu cần có thể phối hợp cơ quan thú y và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 12 cùng kiểm tra. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất hướng xử lý phù hợp”.

THU SƯƠNG

Tin cùng chuyên mục