Khắc phục tình trạng mất an toàn xe khách

Thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ xe khách bị tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân: tài xế chủ quan bất cẩn, xe thiếu an toàn, nhiều áp lực trong vận hành xe khách... Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến góp ý về việc chấn chỉnh tình trạng xe khách thiếu an toàn.
Khắc phục tình trạng mất an toàn xe khách

Thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ xe khách bị tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân: tài xế chủ quan bất cẩn, xe thiếu an toàn, nhiều áp lực trong vận hành xe khách... Nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến góp ý về việc chấn chỉnh tình trạng xe khách thiếu an toàn.

  • Chấn chỉnh việc quản lý các cơ sở đào tạo lái xe

Chỉ trong vòng hơn một năm (từ tháng 2-2015 đến nay), trên quốc lộ 1 đoạn chạy qua địa phận huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 27 người tử vong và hàng chục người khác bị thương, trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Ngày 9-2-2015, 2 xe khách đâm nhau khiến 10 hành khách chết tại chỗ, 9 hành khách bị thương. Ngày 22-5-2016, 2 xe khách giường nằm đâm nhau khiến 13 hành khách  chết, 39 hành khách bị thương. Ngoài yếu tố cầu đường như khúc cua ngoặt, đường hẹp, khuất tầm nhìn, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu liên quan đến việc hạn chế về đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của lái xe, như chạy nhanh, vượt ẩu, xử lý tình huống không nhạy bén, mất khả năng kiểm soát phương tiện…, nghĩa là chất lượng đào tạo lái xe có vấn đề, bất ổn.

Theo thống kê, cả nước có 324 cơ sở đào tạo lái ô tô và 105 trung tâm sát hạch lái xe. Năm 2015 đã đào tạo, cấp mới 512.760 giấy phép lái ô tô. Các cơ sở đào tạo lái xe tràn ngập khắp nơi, liệu có đảm bảo tuân thủ các yêu cầu được quy định tại Thông tư 58/2015/TT-BGTVT ngày 20-10-2015 của Bộ Giao thông Vận tải “Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”. Tại Điều 5 thông tư này quy định: “Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đủ các phòng học chuyên môn, bao gồm: pháp luật giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường, kỹ thuật lái xe, nghiệp vụ vận tải, đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, thực tập bảo dưỡng sửa chữa...”. Điều 5 cũng quy định: giáo viên phải có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt; có đủ sức khỏe; có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Rõ ràng so với các điều kiện quy định thì việc quản lý đào tạo lái ô tô đang bị buông lỏng. Nếu không nhanh chóng chấn chỉnh một cách quyết liệt, vẫn để kéo dài tình trạng này, chắc chắn những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ tiếp tục xảy ra, cướp đi sinh mạng biết bao nhiêu người vô tội. 

    NGUYỄN TIẾN ĐẠT
(thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)

Cảnh nhồi nhét hành khách, mất an toàn trên một xe khách giường nằm. Ảnh: THANH HẢI

  • Kiểm tra chặt chẽ chất lượng xe khách

Thời gian gần đây có quá nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng xảy ra đối với xe khách, đa số là do tài xế chạy xe tốc độ cao, xử lý tình huống không tốt. Qua đó cho thấy có sự thiếu an toàn của loại phương tiện này.  Sức khỏe hay sinh mạng hành khách là vô cùng quý giá, do vậy các nhà xe, nhà thiết kế và ngành chức năng quản lý cần quan tâm vấn đề chọn loại xe có thiết kế an toàn cho hành khách.

Khi có việc đi xa, xe khách chất lượng cao, xe giường nằm là phương tiện được ưu tiên lựa chọn đối với người dân có thu nhập trung bình khá trở lên. Bởi loại xe này có sự tiện lợi nhất định, chất lượng dịch vụ khá tốt, giá vé rẻ hơn so với đi máy bay, tàu hỏa. Nhưng ở nước ta hệ thống đường bộ hiện còn rất xấu, nhiều nơi là đèo dốc hiểm trở, cua quẹo uốn lượn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ trên đường, nếu lái xe không cẩn trọng, thiếu chú ý giữ tốc độ hợp lý trong giới hạn cho phép trên đường dốc, đường nghiêng ngang hay đường cua vòng… sẽ rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì thế, khi điều khiển xe đòi hỏi tài xế phải có đạo đức nghề nghiệp, biết cẩn trọng, có tính điềm tĩnh, có kỹ năng và kỹ thuật lái xe thật tốt trên đường. Đồng thời, chất lượng các trang thiết bị lái tốt và tính tiện lợi, an toàn của phương tiện là yếu tố rất quan trọng.

Thiết nghĩ với các xe khách nói chung, nhất là xe khách giường nằm, cần nghiên cứu việc cải sửa thiết kế khung - thùng xe. Để xe có thêm cửa thoát hiểm bên hông phải phía sau và cả cửa thoát phía sau đuôi, để khi cần kíp sẽ bung ra cho hành khách thoát thân, vì cửa thoát hiểm trên nóc thật sự không hữu dụng, mà xe chỉ có một cửa lên xuống duy nhất phía trước thì chẳng khác nào đưa hành khách vào cửa tử, vì tai nạn thường xảy ra phía trước và cửa lên xuống đó sẽ lập tức bị vô hiệu hóa ngay.

NGUYỄN VĂN THƯỚC
(Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Cà Mau)

  • Phải trang bị búa thoát hiểm trên xe khách

Hầu hết các xe chở khách ở nước ta đều thiếu các trang thiết bị thoát hiểm, nhất là chiếc búa. Do vậy, khi xảy ra tai nạn thì hành khách không biết lấy cái gì đập vỡ cửa kính để thoát gấp ra ngoài được. Chỉ vì thiếu những chiếc búa thoát hiểm tưởng như không cần thiết ấy mà hậu quả của các vụ tai nạn xe khách cực kỳ đau lòng, hành khách không thoát được khi xe bốc cháy.

Nhiều lần tôi đi trên tuyến đường Bắc - Nam bằng xe khách và nhận thấy hầu hết các xe khách đều không cài những chiếc búa thoát hiểm ở hai bên thành xe, mặc dù về nguyên tắc thiết kế xe, cũng như khi xe lưu hành thì bắt buộc phải có những chiếc búa ấy. Không biết sao các nhà xe, chủ phương tiện lại cất vật dụng quan trọng dùng để thoát hiểm này đi.

Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng liên quan cần phải đôn đốc các chủ phương tiện, nhà xe thực hiện việc trang bị búa thoát hiểm. Phương tiện xe khách nào không trang bị búa thoát hiểm khi cho xe lưu hành phải phạt nghiêm, bởi không đảm bảo sự an toàn cho hành khách.

NGUYỄN VIỆT HÀ 
(quận 9, TPHCM) 

Tin cùng chuyên mục