Kênh rạch tiếp tục bị san lấp trái phép

Gần đây, trên địa bàn quận 7 (TPHCM) tiếp tục xảy ra nhiều vụ san lấp, lấn chiếm sông rạch trái phép.
Kênh rạch tiếp tục bị san lấp trái phép

Gần đây, trên địa bàn quận 7 (TPHCM) tiếp tục xảy ra nhiều vụ san lấp, lấn chiếm sông rạch trái phép.

Ngang nhiên vi phạm

Bên sông Sài Gòn, cách đường Đào Trí (khu phố 3, phường Phú Mỹ, quận 7) chủ đất đã cho vận chuyển đến đây cả ngàn mét khối đất bùn đen nhão vẫn còn mùi hôi, đổ cao quá đầu người, rộng hàng trăm mét vuông. Cư dân ở gần đấy cho hay, cách nay vài tháng, chủ đất đã cho rào kín khu đất dọc theo đường Đào Trí hướng về phía bờ sông, rồi cho chở đất bùn đến đổ vào lúc đêm khuya, mùi hôi bốc ra nồng nặc. Hiện đất bùn đã chảy dần xuống sông Sài Gòn, lấp cạn con rạch là đường thoát nước cho cả khu vực này. Chỉ cần thêm một cơn mưa nữa thì núi đất bùn này sẽ chảy hết xuống sông. Đó là thủ thuật lấn sông, lấp rạch một cách tinh vi mà nhiều người đang thực hiện. Cách đó không xa, có chủ đất đã dùng thủ thuật tập kết đất bùn cho tự chảy theo mưa như vậy, biến hành lang sông thành nhà hàng, quán nhậu. Hàng trăm mét vuông mặt nước bị lấn chiếm, dòng chảy bị chặn, mà thủ phạm không bị bắt quả tang, cứ kể như là “nhờ trời giúp san lấp mở rộng diện tích”.

''Núi'' đất bùn bên đường Đào Trí đang tràn dần xuống con rạch

Một vụ san lấp rạch có quy mô lớn và ngang nhiên vi phạm đang diễn ra tại tổ 22, khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7. Cư dân ở gần đấy cho biết, cứ đêm xuống là hàng loạt xe tải nối nhau chở đất đến đổ xuống bãi đất cạnh khu dân cư, lấp con rạch nhỏ thoát nước của khu vực, lấn dần ra con rạch lớn. Đất san lấp lấy từ đất nạo vét bùn cống và các công trình xây dựng nên rất hôi và chứa nhiều rác bẩn. Cứ sau một đêm núi đất lại cao thêm, trải rộng ra đến hàng trăm mét vuông. Ông Võ Văn Vọng, Tổ trưởng tổ dân phố 22, lo lắng: “Mới có vài cơn mưa đầu mùa mà hàng chục hộ dân đã bị ngập nước, lại thêm ô nhiễm môi trường từ núi đất san lấp”. Nhiều người dân ở đây bức xúc vì các tài xế đổ đất giữa đêm khuya vội vàng nên đã lấp nhiều ngôi mộ.

Việc xử lý chậm chạp

Để ngăn chặn tình trạng san lấp sông rạch trái phép, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản và đưa ra nhiều biện pháp chế tài đối với hành vi này. Hơn 10 năm trước, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 150/2004, quy định chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, quận, huyện khi phát hiện, xử lý việc san lấp sông rạch trái phép. Năm 2015, UBND TPHCM tiếp tục có Chỉ thị 17/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý đô thị trong lĩnh vực xây dựng, với nhiều biện pháp chế tài hành vi san lấp sông rạch, áp dụng biện pháp bắt buộc khôi phục dòng chảy và còn quy định xử lý trách nhiệm đối với cán bộ để xảy ra việc san lấp sông rạch trái phép. Thế nhưng, do lợi nhuận quá lớn từ mỗi mét vuông đất hình thành sau khi san lấp rạch, nên các vụ san lấp vẫn diễn ra và việc xử lý không dễ dàng. Vụ san lấp sông rạch tại dự án Riviera Point (phường Tân Phú, quận 7) đã phát hiện, yêu cầu xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Các vụ san lấp sông rạch ngày càng có quy mô lớn, trong khi việc xử lý lại quá chậm, không giải quyết dứt điểm.

Phóng viên Báo SGGP đã gặp ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, để tìm câu trả lời về vụ san lấp rạch quy mô lớn đang diễn ra tại tổ 22, khu phố 5, phường Tân Hưng và nỗi lo ngập nước của người dân khu vực này. Ông Quân như không hề hay biết gì chuyện này, nói cho qua chuyện: “Sau khi nhận được thông tin từ nhà báo, phường sẽ cử nhân viên đi kiểm tra thực tế. Việc trả lời cụ thể về vụ san lấp rạch phải được sự đồng ý của cấp trên, vì chủ tịch phường không có quyền trả lời báo chí khi chưa có ý kiến của quận”.

Các vụ san lấp sông rạch có quy mô lớn đang diễn ra công khai và ồ ạt như vậy không thể chỉ do hộ gia đình, cá nhân tự thực hiện mà xong được. Hơn thế, cán bộ, chính quyền địa phương không thể nói rằng không hay biết!

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục