Quyền được học

Hàng triệu học sinh cả nước đang chuẩn bị vào năm học mới. Không quên nhiều trẻ em hộ nghèo không có điều kiện tới trường, nhiều tập thể và cá nhân tại TPHCM đã mở các lớp học tình thương, ân cần đón các em bước vào năm học mới.
Quyền được học

Hàng triệu học sinh cả nước đang chuẩn bị vào năm học mới. Không quên nhiều trẻ em hộ nghèo không có điều kiện tới trường, nhiều tập thể và cá nhân tại TPHCM đã mở các lớp học tình thương, ân cần đón các em bước vào năm học mới.

Lớp học trong chợ Phú Hữu của anh Trương Ngọc Nhanh

Náo nức “tựu trường”

“Chủ nhật được nghỉ, má đi mua tập sách cho con nha, thầy dặn chuẩn bị khai giảng rồi đó!”, cháu Lương Hữu Đại, 9 tuổi, con trai của chị công nhân xây dựng Đinh Mỹ Thủy, nôn nao nhắc mẹ. Đại đang học tại lớp học tình thương trong chợ Phú Hữu (quận 9) do anh Trương Ngọc Nhanh tổ chức. Chị Thủy tâm tình: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân xây dựng, nay công trường này, mai công trường khác, vì vậy tụi nhỏ bị thiệt thòi, không được đến trường. Thương con ham học, cứ chuyển tới đâu làm việc là tôi lại dò hỏi tìm lớp học tình thương để xin cho cháu vào học. Dù lớp học chỉ là tạm bợ, nhưng với cháu Đại nhà tui, được đi học đã là niềm vui lớn”. Cũng như Đại, hàng trăm em nhỏ đang sinh sống ở TPHCM trong những gia đình lao động nghèo, phải phụ cha mẹ kiếm sống, hoặc vì theo cha mẹ đi các công trình, không có nhà, không giấy tờ tùy thân nên không có điều kiện đến trường. Lớp học tình thương là sự giúp đỡ thiết thực để các em không bị mù chữ, thất học.

Anh Trương Ngọc Nhanh kể: “Năm trước, tôi đang làm tại một khách sạn gần chợ Phú Hữu, thấy nhóm trẻ nhỏ hay lang thang phá phách quanh chợ, tôi không an lòng, nên đã tập hợp các em lại, mở lớp học tình thương dạy chữ. Các em có nơi học, được dạy dỗ nên thôi quậy phá phách, có em vẫn còn theo học đến bây giờ và học rất sáng dạ”. Lớp học đơn sơ, anh Nhanh vừa mua, vừa mượn thêm được mấy chiếc bàn ghế nhựa, mua vài cuốn sách tập để các em học chung. Chỉ có vậy mà anh đã dìu dắt gần 20 trẻ nhỏ từ không biết chữ đến biết đọc, viết và làm các phép tính đơn giản. Năm học này, anh Nhanh mua một chiếc quạt máy, một bảng đen và chuẩn bị cho mỗi em một bộ sách giáo khoa gồm các môn chính như Tiếng Việt, Toán và các cuốn bài tập.

Lớp học tình thương khu phố 5 (phường Tân Thuận Đông, quận 7) do Đoàn TNCS phường tổ chức cũng đang chuẩn bị bước vào năm học mới. Năm học này lớp có hơn 30 em, những ngày qua các bạn đoàn viên đã sửa sang lại những bộ bàn ghế bị hư hỏng. Sách tập và các dụng cụ phục vụ việc học tập của các em cũng đã sẵn sàng. Anh Vũ Trường Tính, công tác tại Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé - là một trong những người thầy gắn bó với lớp học từ ngày đầu thành lập, cũng là người thường xuyên mua đồ dùng học tập cho các em - cho biết:  “Các em đều là trẻ em nghèo nên chúng tôi cố gắng hỗ trợ tất cả các trang thiết bị và đồ dùng học tập, để các em yên tâm tới lớp. Hiện lớp học đã sẵn sàng vào năm học mới”.

Sức lan tỏa trong cộng đồng

Năm 2014, các bạn trẻ trong Câu lạc bộ “Trái tim nhân ái” đã xây dựng chương trình thiện nguyện “Gia sư tình nguyện” với mục đích dạy chữ cho trẻ em lang thang không được đến trường và hỗ trợ việc học tập cho trẻ em nghèo ham học trên toàn thành phố. Những ngày vừa qua, hơn 300 em nhỏ của 12 lớp học tại 9 quận (gồm quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh) đã dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới. Ngoài những sinh viên của các trường đại học tại TPHCM, chương trình “Gia sư tình nguyện” còn nhận được sự hỗ trợ của sinh viên người nước ngoài (Trường Đại học Quốc tế RMIT) tham gia dạy tiếng Anh. Đây là cơ hội để các em nhỏ được luyện nói tiếng Anh chuẩn và tìm hiểu các nền văn hóa trên thế giới. Ngoài việc dạy chữ, trong quá trình tiếp xúc, các sinh viên nước ngoài thấy các em quá thiếu thốn nên đã tự tay làm những món đồ lưu niệm mang bản sắc quê hương mình bán lấy tiền góp quỹ hỗ trợ các em. Anh Tạ Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Trái tim nhân ái”, cho biết: “Chính sự quan tâm, gần gũi của các anh chị sinh viên quốc tế đã giúp tụi nhỏ không còn rụt rè hay tự ti về hoàn cảnh của mình. Các em đã mở lòng với mọi người và trở lên dạn dĩ, sôi nổi hơn nhiều”. Chị Phạm Như Hà (đang thuê nhà trọ tại quận 7) chia sẻ: “Gia đình tôi sống trên ghe nên không có ai được học chữ, từ khi các anh chị sinh viên mở lớp học tình thương ở ngay cầu Rạch Ông, tôi cho đứa con gái lớn 10 tuổi đi học. Nay con tôi biết đọc, viết, làm phép tính và còn nói được cả tiếng Anh nữa. Năm nay tôi cho 2 đứa em đi học luôn, chứ không biết chữ như vợ chồng tôi cực lắm!”.

Cùng với việc dạy các em về kiến thức cơ bản, chương trình “Gia sư tình nguyện” còn được các trung tâm đào tạo kỹ năng hỗ trợ tổ chức những buổi  ngoại khóa, rèn luyện các em về kỹ năng sống để phát triển toàn diện hơn.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục