Gần dân, hiểu dân và làm việc vì dân

LTS: Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều bạn đọc đã nêu những ý kiến tâm huyết góp ý xây dựng chính quyền. Báo SGGP trân trọng trích giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.
Gần dân, hiểu dân và làm việc vì dân

LTS: Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều bạn đọc đã nêu những ý kiến tâm huyết góp ý xây dựng chính quyền. Báo SGGP trân trọng trích giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.

Tạo kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu

Để nền hành chính thực sự phục vụ, công chức thực sự là “công bộc của dân”, thì việc đổi mới tư duy, thái độ hành xử, phương thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan công quyền là một nội dung hết sức quan trọng.

Nhà nước cần lắng nghe thông tin phản hồi từ phía công chúng và xây dựng cơ chế tham vấn. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng công chúng sẽ bằng cách này hay cách khác nói lên cảm nghĩ của mình, do vậy, cách tốt nhất là tạo cơ hội đầy đủ để công chúng thể hiện ý kiến của mình, được trả lời các khiếu kiện một cách nhanh chóng và được đối xử một cách công bằng. Tham khảo ý kiến công chúng một cách thường xuyên và thực sự là việc rất nên làm. Có thể tiến hành dưới nhiều hình thức, từ đơn giản là chuyển tải thông tin, đến việc trao cho công dân quyền kiểm soát các quyết định cuối cùng (ví dụ như cơ chế trưng cầu ý dân hay cơ chế đề xuất sáng kiến đang được thực hiện ở nhiều quốc gia), hoặc chọn lọc ý kiến đóng góp của công chúng qua các cuộc đối thoại, hoặc ủy nhiệm cho đại diện của cộng đồng nhiệm vụ xây dựng các lựa chọn chính sách. Sự phản hồi tích cực của công dân và các cơ chế tham khảo ý kiến công chúng giúp bổ sung cho cơ chế vận hành của Nhà nước.

Cán bộ phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TPHCM) đến thăm hỏi đời sống người dân nghèo sau khi được phường cấp vốn vượt khó. Ảnh: THU HƯỜNG.

Để chính quyền nắm bắt một cách chính xác, nhanh nhạy tâm tư nguyện vọng của công chúng, không có cơ chế nào ưu việt hơn cơ chế đối thoại trực tuyến của các lãnh đạo quốc gia với công chúng. Đối thoại với công chúng là thể hiện văn minh chính trị của một chế độ. Như Bác Hồ đã có lần nói: “Muốn có dân chủ là làm sao để cho dân được mở miệng”. Xây dựng một cơ chế để người dân được lên tiếng và lắng nghe tiếng nói của họ để điều chỉnh chính sách, đích thực là dân chủ.

DIỆP VĂN SƠN
(Cán bộ hưu trí TPHCM)

Thực hiện dân vận khéo

Thực tế công tác quản lý nhà nước hiện nay vẫn có những tồn tại chưa được khắc phục. Đó là nhiều bức xúc của dân chưa được giải quyết, quyền làm chủ của người dân ở nhiều nơi bị vi phạm; quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được thực hiện tốt tại một số địa phương. Có nơi còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân… Do vậy, vấn đề quan trọng cần được đặc biệt quan tâm là nâng trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức.

Để có thể quán xuyến, thực hiện tốt nhiệm vụ, đòi hỏi mỗi cán bộ công chức phải đáp ứng được nhiều điều kiện, trước hết là phải có trình độ và năng lực tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành được các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, hiện nay có không ít cán bộ công chức yếu về năng lực, đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao. Cán bộ công chức cũng cần có khả năng nắm bắt kịp thời các thông tin quần chúng, biết nghe dân nói, hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật. Lắng nghe dân là một cách biểu hiện sự tôn trọng và đồng thời cũng thể hiện sự cầu tiến của người cán bộ công chức. Tất nhiên, điều này không phải ai cũng có thể làm được mà cần có sự rèn luyện thường xuyên, phải là những người tâm huyết với công việc. Cán bộ công chức phải bám sát cơ sở, chống căn bệnh quan liêu, hành chính nặng về làm việc theo kiểu giấy tờ. Phải khéo léo bằng những luận điểm khoa học làm cho quần chúng hiểu rõ bản chất vấn đề, nhất là vấn đề quyền lợi và trách nhiệm công dân.

NGUYỄN VĂN CÔNG
(TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Hành xử trên nguyên tắc vì dân

Tại các kỳ họp Quốc hội, người dân rất quan tâm theo dõi phiên chất vấn các bộ trưởng. Qua giải trình của các bộ trưởng về những việc còn vướng mắc, những điều chưa làm được của ngành mình phụ trách, người dân có thông tin về thực tế công tác quản lý nhà nước và có cơ sở để thẩm định năng lực của từng bộ trưởng. Chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng là hoạch định chính sách, tham mưu cho Thủ tướng và lãnh đạo bộ máy ở tầm vĩ mô. Tầm nhìn và hướng giải quyết của bộ trưởng không phải là những việc ở tầm vi mô, những việc ấy đã có cả một bộ máy với đông đảo nhân sự cấp dưới được phân công, nên trên nguyên tắc thì bộ trưởng không phải đến tận hiện trường những nơi xảy ra sự cố để chỉ đạo. Song trong thực tế, người dân rất hoan nghênh khi được thấy những hình ảnh đẹp của một số bộ trưởng xông xáo, năng động, thể hiện rõ trách nhiệm khi có mặt tại những điểm nóng và đã chỉ đạo giải quyết có hiệu quả.

Qua đó cho thấy người lãnh đạo phải biết mình nên làm việc gì và không nên làm việc gì, khi đã làm thì dũng cảm nhận lấy trách nhiệm. Tất nhiên những việc làm này phải trên nguyên tắc vì dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Việc các bộ trưởng thường xuyên đến các nơi “đầu sóng ngọn gió” để giải quyết nhanh chóng và dứt khoát vụ việc không phải là một cuộc dạo chơi để đánh bóng tên tuổi, mà thể hiện một cách cụ thể tư duy về chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xét về con người, đó là cái tâm hết lòng và chân thành quan tâm, chia sẻ với dân; xét về chức trách, đó là tận tụy để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn, trong tình huống phức tạp. Cán bộ lãnh đạo từng ngành phải là tấm gương đi đầu về cách nghĩ và cách làm cho cấp dưới trong một thời gian nhất định, phải nắm bắt những thực tiễn sinh động, phức tạp để từ đó đưa ra những quyết sách đáp ứng với tâm tư nguyện vọng của dân.

NGUYỄN MINH ÚT
(Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục