Quản lý người bệnh tâm thần trong khu dân cư

Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ án mạng mà hung thủ là người mắc bệnh tâm thần, khiến dư luận lo lắng khi có nhiều người bệnh tâm thần vẫn sinh sống cùng gia đình tại các khu dân cư.
Quản lý người bệnh tâm thần trong khu dân cư

Trong thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ án mạng mà hung thủ là người mắc bệnh tâm thần, khiến dư luận lo lắng khi có nhiều người bệnh tâm thần vẫn sinh sống cùng gia đình tại các khu dân cư. 

Khi bệnh nhân thành kẻ sát nhân

Tuần trước, tại xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), 2 trẻ em đã bị chết thảm vì chính mẹ ruột là Điểu Thị Chanh (26 tuổi, có dấu hiệu tâm thần) siết cổ, dùng dao đâm rồi vứt xác xuống giếng. Trước đó cũng đã có rất nhiều vụ người bệnh tâm thần giết người, các nạn nhân thường là người thân của họ. Ngày 13-7, Vương Đình Khánh (ngụ xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã siết cổ mẹ ruột đến chết. Ngày 15-5, Lâm Văn Sanh (ngụ xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) giết mẹ ruột bằng dao chặt mía. Ngày 8-5, Nguyễn Văn Thương (ngụ xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) dùng xà beng giết mẹ ruột. Ngày 7-5, Đào Văn Dương (ngụ phường Tân Thành, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đột ngột lấy dao cứa cổ con gái 4 tuổi. Ngày 29-4, Đặng Ngọc Điền (ngụ xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) dùng búa sát hại bố và làm bị thương mẹ và anh trai. Ngày 24-4, Nguyễn Thị Giang Nam  (ngụ huyện Gia Lâm, Hà Nội) dùng dao chém tử vong con 4 tháng tuổi. Ngày 13-3, Lê Văn Hòa (ngụ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) dùng 2 cây rựa chém chết bố rồi băm thành nhiều khúc...

Điểm lại như vậy để thấy rằng ở nước ta liên tục xảy ra các vụ người tâm thần gây ra án mạng. Theo số liệu thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB-XH), hiện cả nước có đến 9 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số) có các triệu chứng bệnh tâm thần thường gặp, trong số đó có 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng. Thế nhưng, trên cả nước chỉ có 26 trung tâm chăm sóc điều trị cho khoảng 10.000 người bệnh tâm thần, số người bệnh còn lại vẫn sống trong cộng đồng hoặc lang thang ngoài xã hội.

Thực tế nhiều gia đình có người bệnh tâm thần nhưng chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc quản lý người bệnh, bởi lo bận bịu mưu sinh. Theo thông tin phản ánh từ bạn đọc, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (em của anh Nguyễn Ngọc Dũng, ở trọ tại quận Gò Vấp, TPHCM) bị tâm thần, thường lên cơn bỏ đi lang thang cả tháng, khi nào tỉnh thì về với bộ dạng bẩn thỉu, quần áo rách tươm. Khi chúng tôi hỏi về nguy cơ chị Hằng gây hại cho mọi người, anh Dũng than: “Tôi bị cận thị nặng, mắt không nhìn rõ nhưng vẫn phải bươn chải lo kiếm cơm nuôi mấy anh em còn không nổi, làm sao có thời gian giám sát và điều kiện chữa bệnh cho em tôi được. Vẫn lo là nếu không kiểm soát, nó có thể gây hại cho mọi người, nhưng tôi không biết phải làm sao!”.

Nếu chính quyền địa phương quan tâm

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó Trưởng khoa Tâm thần kinh của Bệnh viện 175, cho hay: “Hành vi dễ nhận biết của người mắc bệnh tâm thần là tính khí thất thường, mất ngủ, cười nói vô thức, ngại tiếp xúc với người khác, bỏ ăn, không giữ vệ sinh cá nhân, đập phá đồ đạc, gây gổ vô cớ, luôn cảm giác có người theo dõi mình... Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi nếu được các cơ sở chuyên khoa tâm thần hướng dẫn điều trị kịp thời và thường xuyên, bằng cách uống thuốc đúng giờ kết hợp với các phương pháp tích cực khác, như gần gũi chia sẻ tâm lý của bác sĩ và đặc biệt là sự giám sát, quan tâm của gia đình người bệnh, cần chia sẻ công việc để họ nhanh hòa nhập với cộng đồng”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ca tư vấn cho thân nhân bệnh nhân tâm thần.

Từ năm 2001, dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc Chương trình Mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đã giúp nhiều người bệnh tâm thần có điều kiện điều trị lâu dài, hiện trên cả nước đã có hơn 80% phường - xã đang triển khai dự án này. Theo đó, sau khi điều trị tại các cơ sở chuyên khoa, người bệnh được chuyển về địa phương và được trạm y tế cấp phường - xã quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc và khám bệnh định kỳ hàng tháng. Riêng ở TPHCM, ngoài các hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, nhiều ban ngành địa phương đã chủ động phối hợp quản lý người bệnh tâm thần nhằm hạn chế tình trạng người bệnh có các hành vi nguy hiểm.

Bà Phạm Thị Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) cho biết: “Ngoài việc Trạm y tế phường cấp phát thuốc và khám bệnh định kỳ, mặt trận của phường còn thường xuyên thăm hỏi các gia đình có người bệnh tâm thần để nắm tình hình chuyển biến của bệnh. Bên cạnh việc giúp đỡ các gia đình có người bệnh tâm thần, phường còn tặng quà cho các bệnh nhân có tiến triển tốt để động viên họ tích cực uống thuốc và điều trị; đồng thời nhắc nhở người nhà thường xuyên giám sát, theo dõi người bệnh; cùng với Ban điều hành khu phố theo dõi và kịp thời phát hiện người có biểu hiện bệnh tâm thần để vận động, kết hợp với gia đình đưa đi khám và điều trị”.

Ông Trần Hữu Thành, Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh, cũng cho biết, công an luôn sẵn sàng có mặt kịp thời để hỗ trợ can thiệp khi người bệnh có biểu hiện, hành vi phát bệnh tâm thần. Nếu như phường - xã nào cũng quan tâm việc chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần ở khu dân cư như vậy, thì có thể hạn chế đến mức tối đa những vụ người bệnh tâm thần gây bất an cho xã hội.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục