Bất an trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Ông Phùng Văn On, Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Long An, vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng bất an trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ông On nhận định: “Trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương qua địa bàn tỉnh Long An ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chủ yếu xảy ra vào buổi tối. Ban ATGT tỉnh nhận thấy có nhiều đoạn đường xấu và hệ thống đèn chiếu sáng không được mở, nên dễ dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông”.
Bất an trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Ông Phùng Văn On, Phó trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Long An, vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng bất an trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ông On nhận định: “Trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương qua địa bàn tỉnh Long An ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chủ yếu xảy ra vào buổi tối. Ban ATGT tỉnh nhận thấy có nhiều đoạn đường xấu và hệ thống đèn chiếu sáng không được mở, nên dễ dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông”.

Biển báo bị khuất, đèn đường không bật

Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra vào ban đêm ở những đoạn đường có đèn nhưng không được bật lên trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. Thời điểm từ 1 đến 4 giờ sáng, nhiều tài xế mệt mỏi, buồn ngủ, lại chạy xe trên đường thiếu ánh sáng nên hạn chế tầm nhìn, thường dẫn đến TNGT. Từng chứng kiến nhiều vụ TNGT ở đoạn đường “đen như mực” và may mắn thoát chết vài lần, tài xế Lê Nguyễn Thành Tâm (lái xe khách) nhớ lại: “Tôi thường xuyên chạy xe trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, nhưng luôn lo ngại hiểm họa phía trước khi điều khiển xe qua những đoạn đường không mở đèn chiếu sáng. Có lần, tôi đang lái xe về TPHCM khi trời gần sáng, đến đoạn km13 đến km19, dù không dám chạy hết tốc độ theo quy định vì phía trước rất tối, nhưng tôi cũng hoảng hồn khi bất ngờ phát hiện một xe tải đang chạy lù lù phía trước, khoảng cách giữa hai xe chỉ còn chừng 200m, có thể gây tai nạn. Lập tức tôi đạp phanh (thắng) gấp, rồi đánh lái sang một bên khiến hành khách hoảng sợ tỉnh giấc, còn tôi trải qua một phen khiếp vía. Sợ nhất là vào mùa mưa thường xuyên có sương mù vào rạng sáng, tầm nhìn còn hạn chế hơn. Điều vô lý là trên đường cao tốc có lắp đủ bóng đèn nhưng lại không được bật lên!”.

Anh Trương Đăng Khoa (ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) bức xúc kể: “Có lần tôi đang lái xe chạy phía sau xe khách thì bỗng nhiên một túi đồ ăn thừa từ xe khách bay ra, văng ngược lại vào kính xe tôi, khiến tôi và mọi người trên xe hoảng hốt. May mà chỉ là túi đồ ăn, chứ nếu vật cứng chắc đã bể kính và gây tai nạn. Đã thế, đoạn đường xấu nhưng gắn một biển cảnh báo hạn chế tốc độ 100km/giờ nhỏ xíu, khi đến gần mới thấy nên phải thắng gấp để giảm tốc độ, thật nguy hiểm và chẳng khác nào như cái bẫy để phạt. Mà đoạn đường xấu này tôi chạy tốc độ 80km/giờ còn khó điều khiển tay lái, nói chi chạy lên tới 100km/giờ. Vị trí xấu nhất là đường dẫn vào cao tốc tại TPHCM có nhiều đoạn lún, nhấp nhô. Có vị trí cao hơn mặt đường gần 40cm, khi xe chạy tốc độ 30km/giờ còn văng lên dội xuống hư cả gầm máy, vậy mà không gắn biển cảnh báo phía trước có đường xấu”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ đoạn km13 đến km19 không bật đèn, mà nhiều đoạn khác cũng có đèn nhưng vẫn không được bật. Đoạn km24 và km36 không có biển cảnh báo giảm tốc độ còn 100km/giờ mà chỉ có biển báo nhỏ đặt ở làn đường bên phải, nhưng do bị khuất nên nhiều tài xế không thấy và vẫn phóng xe tốc độ cao, chỉ nhận ra đường xấu khi bánh xe chênh vênh, xe lảo đảo. Ngoài ra, trên đường có nhiều rác thải như túi ni lông, chai nhựa, lon nước ngọt… nằm vương vãi khắp nơi trên đường. Ở km28 có nhiều người dừng xe trên đường cao tốc đứng tiểu bậy khiến nơi này bốc mùi khai nồng nặc và rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Biển báo giảm tốc độ còn 100km/giờ đột ngột xuất hiện, không có cảnh báo trước trở thành mối nguy hiểm cho ô tô đang chạy tốc độ cao.

Sớm lắp đặt thêm biển cảnh báo

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, cho biết: “Hệ thống đèn chiếu sáng trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Nhưng sau đó, thực hiện Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26-1-2011 về việc tăng cường tiết kiệm điện và được ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, từ đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã căn cứ theo tiêu chuẩn quốc gia “Đường ô tô cao tốc” chỉ thực hiện chiếu sáng tại các vị trí cần thiết như trạm thu phí, các nút giao, các cầu vượt, đường ngang. Đoạn đường được tài xế phản ánh không bật đèn là cầu cạn (đường thẳng) không có nút giao. Mặc khác trên vị trí thành cầu, dải phân cách giữa đều được gắn bảng phản quang nhằm đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn khi trời tối. Tuy nhiên, qua phản ánh thì Cục Quản lý đường bộ IV sẽ tiếp tục theo dõi để điều chỉnh các vị trí chiếu sáng, bổ sung các biện pháp nhằm đảm bảo khai thác an toàn”.

Qua phản ánh của Báo SGGP về việc khó quan sát biển báo hạn chế tốc độ 100km/giờ ở km24, km37, Cục Quản lý đường bộ IV đã cho nhân viên kiểm tra để sớm điều chỉnh, tăng cường thêm thông báo trên các bảng điện tử, cắm bổ sung thêm biển cảnh báo hạn chế tốc độ để tài xế sớm biết và điều chỉnh tốc độ. Về tình trạng xả rác trên đường cao tốc, xe quét hút thực hiện dọn vệ sinh mặt đường hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều người trên xe khách thiếu ý thức vẫn thường xuyên xả rác xuống đường. Hiện tại, Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất của Tổng công ty Cửu Long về xây dựng trạm nghỉ dừng chân tại km 28 + 200 để phục vụ hành khách đi vệ sinh, ngăn ngừa tình trạng xả rác và dừng xe phóng uế dọc đường cao tốc; gắn thêm bảng tuyên truyền, nhờ các trạm thu phí thực hiện việc “xin rác”.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục Quản lý đường bộ IV đã nhiều lần kiến nghị với Sở GTVT TPHCM sửa chữa những vị trí oằn, lún ngày càng nghiêm trọng trên tuyến đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Trung Lương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy duy tu sửa chữa, gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục