Góp ý Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự: Quyền được chết

Trong bản Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này, đã đưa vào nhiều quy định đổi mới, bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Trong đó, đáng chú ý là Bộ Y tế đề xuất có quy định quyền được chết - một khái niệm rất mới đối với pháp luật và xã hội Việt Nam.

Trên thế giới hiện nay chỉ có 3 nước cho phép trợ tử cho bệnh nhân, 2 nước và 5 bang của Mỹ cho phép bệnh nhân dừng điều trị để tự tìm đến cái chết, nhưng cấm mọi người khác (kể cả người thân, bác sĩ) gợi ý, kê đơn hoặc cung cấp phương tiện cho họ tự sát (nếu sai phạm vẫn bị xử lý hình sự). Hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về quyền được sống, bao gồm quyền khai sinh, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân và quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Trái ngược với quyền được sống, thì quyền được chết hầu như chưa có quy định cụ thể nào, hiện nay công dân chỉ bị tước đoạt mạng sống khi có phán quyết tử hình của tòa án. Vì lẽ đó, để giải thích rõ ràng về quyền được chết là rất khó, chúng ta có thể hiểu nôm na rằng quyền được chết là quyền công dân được chấm dứt tính mạng của mình thông qua việc quyết định ngưng điều trị bệnh, với điều kiện khi đưa ra quyết định đó công dân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Trên thực tế, các bệnh nhân mắc bệnh nan y thời kỳ cuối, hoặc bệnh nhân hôn mê sâu thường không thể tự định đoạt được tính mạng của mình, mà phải thông qua quyết định của người thân. Điều này chưa hẳn đúng vì công dân được pháp luật bảo hộ về tính mạng và biết đâu tuy họ đang hôn mê sâu hay vật vã đau đớn vì bệnh tật nhưng họ vẫn khao khát được sống. Ngược lại, có những bệnh nhân đang chịu sự đau đớn khốn khổ từng ngày do bệnh tật, mà những người bình thường không thể nào cảm nhận được, với họ, việc kết thúc mạng sống như một đặc ân, là sự giải thoát và là lựa chọn của họ, thì người thân, bác sĩ, pháp luật cần tôn trọng điều này. Chính vì thế, quy định quyền được chết của một người là cần thiết, vì sống hay chết phải được thực hiện bằng ý chí của chính người đó, không một ai có quyền định đoạt thay họ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bệnh nhân không có đầy đủ hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, trong trường hợp này việc định đoạt tính mạng của họ cần căn cứ vào nhận định tình hình sức khỏe bệnh nhân của bác sĩ, điều kiện kinh tế của người thân, để đưa ra quyết định hợp lý và đúng đắn nhất. Pháp luật cũng cần quy định thêm về việc miễn trách nhiệm đối với những người này (bác sĩ, người thân) trong trường hợp họ đưa quyết định chấm dứt việc điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, cần có các quy định cụ thể để tránh những trường hợp lợi dụng quyền được chết để thực hiện hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác.

Việc đưa một quy định mới vào áp dụng thực tế là rất cần thiết nhưng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Để quy định quyền được chết không gây xung đột với các quy định hiện hành, đòi hỏi những nhà làm luật phải dự trù được các trường hợp phát sinh, lấp được các kẽ hở pháp lý.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục