Ấm áp tình người

Trong nhịp sống bộn bề, tất bật ở TPHCM, vẫn có nhiều người tận tụy với công việc thiện nguyện, ân cần giúp đỡ người nghèo. Có những người hàng ngày lo những phần cơm từ thiện giúp bệnh nhân và người lao động nghèo. Có những người đặt những thùng trà đá miễn phí trước nhà để người nghèo kiếm sống trên đường ghé lại giải khát.
Ấm áp tình người

Trong nhịp sống bộn bề, tất bật ở TPHCM, vẫn có nhiều người tận tụy với công việc thiện nguyện, ân cần giúp đỡ người nghèo. Có những người hàng ngày lo những phần cơm từ thiện giúp bệnh nhân và người lao động nghèo. Có những người đặt những thùng trà đá miễn phí trước nhà để người nghèo kiếm sống trên đường ghé lại giải khát.

Nghĩ đến những cảnh đời cơ cực

Trên vỉa hè nhiều con đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), An Dương Vương (quận 5), thường thấy đặt những bình trà đá dành cho người qua đường ghé lại uống miễn phí. Người ghé lại uống thường là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn như em bán vé số, chị mua ve chai, bác chạy xe ôm, anh công nhân, cháu học sinh, và những người sống lang thang. Chi phí trà đá không phải là nhiều, nhưng người đặt bình trà đá thể hiện rõ tấm lòng biết nghĩ đến những cảnh đời cơ cực.

Thấy một bình trà đá miễn phí đặt trước nhà số 266 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21 quận Bình Thạnh), chúng tôi ghé lại hỏi tìm người đặt bình trà đá và gặp anh Thanh Bình. Anh cười: “Việc nhỏ thôi mà, tôi sống ở đây đã lâu, thấy nhiều người bán vé số, bán hàng rong vất vả đi bộ giữa trưa nắng, nên tôi đặt bình trà đá trước nhà để những người lao động lam lũ như vậy có thể ghé lại uống giải khát. Hàng ngày, nhất là từ giữa trưa đến chiều có rất nhiều người, cả những em học sinh ghé lại đây uống nước. Tôi lo việc nhỏ này chỉ vì nghĩ đó là việc nên làm, chứ chưa bao giờ mong sẽ được người ta cảm ơn và nhớ tới mình”.

Quán cơm Nụ Cười 1 luôn có rất nhiều người lao động nghèo đến ăn cơm trưa với giá chỉ 2.000 đồng.

Giữa trưa Sài Gòn, nắng như thiêu như đốt, người lao động nghèo kiếm sống trên đường phải khát khô cổ, nhưng tằn tiện từng đồng kiếm được khó khăn nên không dám ghé quán xá uống nước. Do vậy, những bình trà đá miễn phí đặt trên vỉa hè cũng giúp họ mát lòng, vơi bớt nỗi vất vả. Chúng tôi hỏi thăm một bà cụ bán vé số đang ghé lại uống nước. Bà kể: “Tôi đã bán vé số ở khu vực quận Bình Thạnh đã hai năm. Trước đây, khi khát nước, tôi ghé vào mấy quán cơm dọc đường hỏi xin ca nước. Từ ngày biết được nơi đặt bình trà đá miễn phí, cứ đến trưa tôi ghé lại đây uống nước và thầm cảm ơn ai đó đã có lòng nghĩ đến người nghèo”.

Nụ cười thiện nguyện

10 giờ 30, chưa đến giờ quán cơm Nụ Cười 1 (số 6 đường Cống Quỳnh, quận 1) mở cửa, nhưng đã có rất nhiều người đứng xếp hàng ngay ngắn. Khách của quán đều là những lao động nghèo. Quán cơm này đã được nhiều người biết đến do giá bán chỉ là tượng trưng 2.000 đồng, rất thấp so với chi phí. Vậy mà suốt 2 năm nay quán cơm Nụ Cười vẫn tồn tại được nhờ các mạnh thường quân góp tiền, góp công sức để lo bữa ăn cho người nghèo.

Hiện nay quán Nụ Cười đã có 6 cơ sở, gồm 5 cơ sở trên địa bàn TPHCM và 1 cơ sở ở tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi phần cơm 2.000 đồng nhưng có đầy đủ các món canh, xào, mặn, tráng miệng, cơm được thêm không hạn chế. Quán phục vụ từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày phục vụ khoảng 500 suất cơm.

Chị Kiều Vân, thu ngân của quán, chia sẻ: “Mọi người góp tiền và góp công cho quán đều với cái tâm mong muốn chia sẻ với khó khăn của người nghèo. Quán không kinh doanh, mỗi phần cơm quán bù lỗ 10.000 đồng. Các cô chú, các bạn sinh viên đến đây làm việc thiện nguyện, ai rảnh thì đến phụ giúp quán. Dù không lương nhưng mọi người làm việc rất có trách nhiệm, khi bận việc không đến quán được cũng báo vắng trước. Nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm thường xuyên hỗ trợ để quán có thể duy trì hoạt động. Mình phụ làm ở đây lâu rồi, như một cách trả ơn đời. Khi nhìn mọi người ăn cơm, thấy niềm vui của họ và mình cũng được niềm vui ấy lan tỏa”.

Đến quán vào giờ cao điểm buổi trưa, chúng tôi chứng kiến những người làm việc tại quán đang tất bật, ai cũng bận bịu, mồ hôi lấm tấm trên mặt, nhưng trên môi vẫn nở nụ cười thân thiện với khách. Một cụ già khoảng 80 tuổi vào quán ăn cơm, khi ngồi ăn còn được một tình nguyện viên ở quán ân cần bóp vai cho cụ đỡ mỏi, hình ảnh này làm chúng tôi thật cảm động. Cụ vui vẻ nói: “Đến quán cơm này, tôi được gặp những người từ tâm, hết lòng giúp đỡ những người nghèo khó”.

“Sống đẹp” không phải là một khái niệm trừu tượng, cao xa. Nhiều người dân TPHCM đã tham gia những công việc thiện nguyện rất bình thường như vậy, bằng ý thức trách nhiệm với cộng đồng, bằng lòng nhân ái, bằng sự nhiệt thành chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo, bất hạnh.

QUỲNH NHƯ - MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục