Cảng sông nội địa Trường Thọ: Phát triển theo quy hoạch hay đóng cửa?

Cảng Phú Định (quận 8) và cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) là hai cảng sông nội địa lớn của TPHCM, nằm trong quy hoạch của ngành giao thông. Trong khi cảng Phú Định đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cảng Trường Thọ lại đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.
Cảng sông nội địa Trường Thọ: Phát triển theo quy hoạch hay đóng cửa?

Cảng Phú Định (quận 8) và cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) là hai cảng sông nội địa lớn của TPHCM, nằm trong quy hoạch của ngành giao thông. Trong khi cảng Phú Định đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng thì cảng Trường Thọ lại đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.

Ưu thế cảng sông nội địa

Cảng Trường Thọ là một cụm cảng nằm trên địa bàn phường Trường Thọ quận Thủ Đức, gồm Tracomeco, Phúc Long, Tanamexco và Transimes, là cảng sông nằm sâu vào nội địa, ở trung tâm thành phố. Cảng có lợi thế chỉ cách xa lộ Hà Nội 500m, cách cảng Cát Lái 15km và cách cảng Cái Mép 60km. Đây là điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa xuất khẩu từ các KCX-KCN phía Đông TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, rồi dùng sà lan đưa ra cảng Cái Mép, SPCT, VICT hay sang Campuchia.

Và ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ các cảng lớn được vận chuyển bằng sà lan đến kho cảng Trường Thọ, để sau đó bằng đường thủy, đường bộ chuyển đi tiêu thụ, cung cấp trang thiết bị, vật tư cho các KCX-KCN. Sản lượng vận chuyển năm qua của cả cụm cảng là 942.673 container và 320.000 tấn hàng rời. Mỗi phương tiện vận tải thủy chạy trên sông có thể thay cho hàng chục chiếc xe tải container. Với số container và hàng hóa này, nếu vận chuyển bằng đường bộ phải cần đến 610.999 xe tải trọng lớn, chỉ riêng Tracomeco đã cần đến 224.000 xe.

Nếu không có cảng, số lượng xe lưu thông trên đường lớn gấp hai lần vì xe phải chạy đưa hàng hóa từ các KCX-KCN và các siêu thị, cửa hàng đến các cảng biển và ngược lại. Hơn 1 triệu xe tham gia lưu thông trên đường là một con số không nhỏ. Ưu thế của vận tải đường thủy không chỉ rẻ mà còn hạn chế được số lượng xe lưu thông trên đường, hạn chế nạn kẹt xe.

Bốc xếp hàng hóa đưa xuống tàu tại cảng Trường Thọ.

Về mặt kinh tế, kho cảng Trường Thọ trở thành đầu mối vận chuyển hàng hóa từ trung tâm TPHCM ra các cảng biển và ngược lại. Tuy nhiên, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày một tăng, số lượng hàng đến cảng nhiều, đã làm số lượng xe vận chuyển cũng tăng theo, đã dẫn đến tình trạng ùn tắc ở nút giao lộ xa lộ Hà Nội và đường vào cảng. Vấn đề đặt ra hiện nay là di dời cảng Trường Thọ hay cải tạo nút giao thông?

Giải pháp khả thi

Biện pháp dễ nhất là đóng cửa, xóa sổ cảng sông nội địa Trường Thọ. Việc di dời cảng Trường Thọ ra khỏi khu vực hiện hữu sẽ xóa được điểm kẹt xe tại giao lộ trên xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, khi không còn cảng Trường Thọ thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, vật tư thiết bị máy móc từ các cảng biển và trung tâm thành phố và các KCX-KCN và chiều ngược lại vẫn phải thực hiện. Như vậy, di dời cảng chỉ xóa một điểm tắc trên xa lộ Hà Nội, nhưng trên các tuyến đường vào ra TP phải gánh thêm trên 1 triệu chuyến xe. Đây sẽ là áp lực lớn cho các con đường và lại gây tắc đường, kẹt xe ở các điểm khác.

Theo phương án quy hoạch đã được phê duyệt, năng lực của cảng sông nội địa Trường Thọ đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và 3,6 triệu tấn vào năm 2030. Mới đây các đơn vị khai thác kho cảng Trường Thọ đã có văn bản gửi lên cấp trên kiến nghị giữ cảng sông nội địa như phương án quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Phú Khánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX-TM-XNK Tây Nam (Tanamexco), hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chiếm ưu thế về giá cước. Hiện nay hàng hóa vận chuyển bằng container từ TPHCM đi Vũng Tàu bằng đường bộ có giá cước 6 triệu đồng, trong khi giá cước vận chuyển đường thủy chỉ 900.000 đồng. Cước vận chuyển tuyến Bình Dương - Cát Lái bằng đường bộ 2,5 triệu đồng, bằng đường thủy chỉ 750.000 đồng. Cước vận chuyển tuyến Đồng Nai - Cát Lái bằng đường bộ 2,1 triệu đồng, bằng đường thủy chỉ 450.000 đồng.

Ông Đào Việt Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ khí xây dựng giao thông (Tracomeco), cho biết, chỉ riêng Tracomeco đã có gần 1.000 lao động đang làm việc ổn định. Việc đóng cửa cảng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà làm xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm cuộc sống của những người lao động này.

Từ thực tế giao thông và bài toán kinh tế cho thấy, với lý do tắc đường để di dời, đóng cửa cảng sông nội địa khu vực phía Đông TPHCM, phá vỡ quy hoạch cảng đã được phê duyệt là không thuyết phục. Giải pháp cải tạo nút giao lộ, xây dựng cầu vượt bằng thép để tránh ùn tắc, kẹt xe tại nút giao lộ xa lộ Hà Nội là khả thi hơn cả.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục