Cùng chăm chút giáo dục thế hệ trẻ

LTS:

LTS: Ngày 24-3, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030. Nhiều bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến góp ý về việc thực thi công tác quan trọng này.

* TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM): Xây dựng môi trường sư phạm trong lành

Trong việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, từng gia đình cần chú ý giáo dục con em về cách thức ứng xử, nhất là trong các tình huống đặc biệt, như khi xảy ra va chạm, khi thấy chuyện sai trái, liên quan đến lợi ích…, trên tinh thần phải tôn trọng người khác. Đó cũng là cách để tự bảo vệ. Về xã hội, cần có sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, lên án những hành vi sai trái, cổ vũ và động viên những biểu hiện tích cực. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn TNCS, cần có nhiều biện pháp giáo dục thanh thiếu niên về cách thức ứng xử, cách thức tự bảo vệ, đồng thời có biện pháp hỗ trợ thanh thiếu niên trong những trường hợp cần thiết.

Nhà trường cần đóng vai chủ công trong việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, để xây dựng môi trường sư phạm trong lành, văn minh, tiến bộ. Giáo viên phải thực sự làm gương, ứng xử văn hóa khi lên lớp cũng như giữa giáo viên với nhau và với học sinh. Làm tốt công tác tâm lý học đường để kịp thời phát hiện, giải tỏa, xử lý các biểu hiện tâm lý bất thường. Nhà trường cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tạo môi trường lành mạnh ở khu vực xung quanh trường học, đồng thời phối hợp với gia đình, kịp thời thông tin về những biểu hiện bất thường của học sinh, để cùng có biện pháp giáo dục phù hợp.

* VĂN THY HOÀNG (Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam): Giáo dục lịch sử, truyền thống một cách sinh động

Hiện nay, mặc dù ngay từ bậc tiểu học học sinh đã được học lịch sử, song sau khi rời nhà trường thì kiến thức lịch sử bị lãng quên nhanh. Nguyên nhân cơ bản do việc dạy lịch sử thiếu sinh động, kiến thức lịch sử khô cứng.

Hiện nay một số địa phương có quan tâm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, truyền thống, nhưng vẫn chưa ấn tượng và sinh động. Công nghiệp giải trí phát triển mạnh nhưng rất tiếc ở nước ta đang thiếu sự đồng hành của một nền công nghiệp điện ảnh về đề tài lịch sử. Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy lớp trẻ hiện nay hiểu biết lịch sử Trung Quốc nhiều hơn lịch sử Việt Nam. Nguyên nhân là do hàng ngày trên các kênh truyền hình trong nước tràn ngập các bộ phim chính sử, dã sử Trung Quốc. Trong khi đó phim về đề tài về lịch sử ở nước ta quá ít, lại chưa đạt chất lượng để thu hút khán giả.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với biết bao nhân vật hiển hách, với những thăng trầm của các triều đại, chính là đề tài phong phú để các nhà làm phim khai thác. Thế nhưng, phim lịch sử của ta chưa đạt chất lượng, vẫn bị cứng nhắc và kém sức hấp dẫn.

* LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (Giảng viên tâm lý ĐH Nguyễn Huệ): Chuyển hóa từ ý thức của mỗi cá nhân

Theo tôi, muốn xây dựng ý thức cộng đồng tốt cho thế hệ trẻ, cần phải bắt đầu chuyển hóa từ ý thức của mỗi cá nhân. Trước hết, trong gia đình, các thanh thiếu niên phải được giáo dục nền nếp văn minh lịch sự từ cha mẹ, qua những việc làm hàng ngày. Ở nhà trường cũng vậy, những bài học về giáo dục môi trường không thể chung chung, mà phải tổ chức cho học sinh hành động thiết thực như trồng cây xanh, quét lớp, vệ sinh sân trường… Đồng thời có những biện pháp nêu gương tốt để học sinh học tập.

Về xã hội, nên kích thích cho tâm lý tích cực lây lan. Bên cạnh việc tuyên truyền, cần vận động đến từng gia đình, lấy đa số giáo dục thiểu số, lấy các nhân tố điển hình để làm gương cho mọi người noi theo. Đừng để sự tùy tiện, bừa bãi trở thành thói quen xấu. Muốn xây dựng đạo đức, lối sống văn hóa, hãy bắt đầu từ ý thức cá nhân.

Tin cùng chuyên mục