Nhức nhối sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong 2 năm 2014 - 2015, 54 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (trong đó có 13 cơ sở gây ô nhiễm nặng) đang tồn tại trong các khu dân cư trên địa bàn TPHCM phải khắc phục, xử lý dứt điểm. Thế nhưng, suốt 14 tháng qua, chuyển biến vẫn rất chậm.
Nhức nhối sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong 2 năm 2014 - 2015, 54 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (trong đó có 13 cơ sở gây ô nhiễm nặng) đang tồn tại trong các khu dân cư trên địa bàn TPHCM phải khắc phục, xử lý dứt điểm. Thế nhưng, suốt 14 tháng qua, chuyển biến vẫn rất chậm.

Sống cùng ô nhiễm

Nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư nhiều tiền của, công sức để di dời đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư chuyển vào các khu công nghiệp. Nhiều phố nghề trong khu dân cư đã đóng cửa, xóa sổ. Nhiều cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước, chất thải, ngoài ra còn có một số cơ sở đã có hệ thống xử lý chất, nước thải nhưng không hoạt động.

Từ kết quả thanh tra, kiểm tra về thực trạng gây ô nhiễm, cơ quan chức năng đã đề nghị biện pháp xử lý cụ thể đối với từng đơn vị vi phạm. Xí nghiệp Công nghiệp và Dịch vụ ô tô (139 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1) xả nước thải tại hố ga cuối có COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ) vượt mức cho phép 2,4 lần, BOD (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng) vượt mức cho phép 3,94 lần; bị buộc phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải. Công ty CP Nhựa Kim Hằng (1 Ba Tơ, phường 7, quận 8) thải khí lò hơi ô nhiễm vượt mức cho phép 4,9 lần, bị buộc phải hoàn thành hệ thống xử lý khí thải. Công ty TNHH Bệnh viện Đức Khang (129 A Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5) xả nước thải đã xử lý nhưng COD vẫn vượt mức cho phép 3,55 lần, BOD vượt mức cho phép 3,75 lần, NH4 vượt mức cho phép 8,05 lần, bị buộc phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải. Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo (F1/35 Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh) xả nước thải sau xử lý nhưng COD vẫn vượt mức cho phép 19,75 lần, BOD 5 vượt mức cho phép 33,78 lần, bị buộc phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải…

Cơ sở sản xuất vẫn dùng than đá, dầu cặn làm nhiên liệu đốt lò, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình, quận 9, TPHCM).

Hầu hết các đơn vị nằm trong danh sách bị buộc phải khắc phục ô nhiễm đã triển khai biện pháp xử lý, sau đó mức độ ô nhiễm đã có giảm, nhưng môi trường sống của cư dân khu dân cư quanh đó vẫn bị ô nhiễm. Người dân ở trên đường Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh), xung quanh Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Nam Phong, cho biết, xí nghiệp này đã thông báo khắc phục xong ô nhiễm, nhưng thực tế cư dân vẫn phải sống chung với mùi hôi của phân gia súc và mùi hôi từ lò mổ bay ra. Do vậy, các nhà ở gần khu giết mổ và đường vận chuyển gia súc phải thường xuyên đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi. Hàng trăm hộ dân sống xung quanh ống khói của Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định - Phong Phú (89 Phan Văn Trị, phường 11, quận Gò Vấp) vẫn kêu cứu vì phải thường xuyên hít khói đen, bụi từ nhà máy phủ khắp khu dân cư. Mặc dù công ty đã nâng chiều cao ống khói, nhưng khói xả vẫn còn đậm đen, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

Cải tạo hay di dời?

Các đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước và chất thải nhưng vẫn xả thẳng ra khu dân cư nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn những đơn vị đã có hệ thống xử lý nước và chất thải, cũng không đảm bảo vệ sinh khi xả ra môi trường, do hệ thống xử lý không đạt tiêu chuẩn. Thực tế đó cho thấy, mặc dù đã bị khuyến cáo, buộc cải tạo hệ thống xử lý nước và khí thải nhưng nhiều đơn vị chỉ khắc phục chiếu lệ, không có thiện chí giải quyết dứt điểm nạn gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.

Quy trình xử lý nước thải sau khi được đầu tư nâng cấp có thể giải quyết được ô nhiễm, nhưng việc xử lý mùi hôi, khói bụi gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các cơ sở gây ô nhiễm này nằm giữa khu dân cư, hoạt động độc lập. Trong khi, các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp - khu chế xuất có hệ thống xử lý nước, chất thải tập trung, còn các cơ sở này phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt. Đối với các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, dù quy mô lớn hay nhỏ đều phải có hệ thống xử lý nước, chất thải, khí thải có hệ thống xử lý riêng. Kinh phí để đầu tư, vận hành hệ thống xử lý chất thải trở thành gánh nặng khiến nhiều đơn vị khó có khả năng thực hiện. Chính vì vậy, chủ trương cho phép các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm được phép cải tạo, xây dựng mới hệ thống xử lý nước, khí thải để tiếp tục tồn tại trong khu dân cư là không khả thi, biện pháp khắc phục chỉ là tạm thời.

Để các cơ sở gây ô nhiễm không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các khu dân cư, giải pháp căn cơ vẫn là phải đóng cửa, buộc di dời ra các khu chế xuất - khu công nghiệp, tách rời khu dân cư. Trong khi chờ đợi, các chủ cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xả nước thải, chất thải, khí thải để giảm thiểu ô nhiễm cho người dân.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục