Chăm lo bữa ăn cho trẻ khuyết tật

Trong những ngày tết, tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè không khí luôn nhộn nhịp, các trẻ khuyết tật hân hoan đón nhiều đoàn từ thiện xã hội đến thăm, tặng quà, tổ chức phục vụ văn nghệ và vui chơi cùng các cháu. Các đầu bếp tại đây cũng tất bật chăm lo cho các cháu có những bữa ăn ngon, trọn vẹn niềm vui trong ngày tết.
Chăm lo bữa ăn cho trẻ khuyết tật

Trong những ngày tết, tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè không khí luôn nhộn nhịp, các trẻ khuyết tật hân hoan đón nhiều đoàn từ thiện xã hội đến thăm, tặng quà, tổ chức phục vụ văn nghệ và vui chơi cùng các cháu. Các đầu bếp tại đây cũng tất bật chăm lo cho các cháu có những bữa ăn ngon, trọn vẹn niềm vui trong ngày tết.

Chuẩn bị bữa cơm cho các cháu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè

Ngày tết, nhà bếp Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè luôn đỏ lửa đun nấu thức ăn cho các em. Các trẻ ở đây mang nhiều căn bệnh khác nhau, do vậy phải có khẩu phần ăn phù hợp, đủ chất dinh dưỡng cho từng cháu. Để các cháu có bữa cơm ngon ngày tết, các đầu bếp không nghỉ tết và càng bận rộn hơn, suốt từ sáng đến tối. Đó là công việc thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng nhằm mang đến cho các cháu niềm vui và sức khỏe trong những ngày xuân. Bữa ăn có tác dụng rất quan trọng đối với  sức khỏe các em, chỉ cần nêm gia vị không phù hợp có thể khiến trẻ lên cơn bệnh bất ngờ, do các cháu bệnh huyết áp cao, thận, tiểu đường… phải ăn theo chế độ chỉ định của bác sĩ. Ngày thường, các đầu bếp phải làm việc từ mờ sáng cho đến tối để cung cấp đầy đủ 3 bữa ăn chính và thêm bữa ăn xế cho hàng trăm cháu. Ngày tết, nhà bếp của trung tâm còn tổ chức bữa cơm “đại gia đình” mang đậm hương vị ngày tết như thịt kho trứng, măng kho thịt… Đứng ở cửa nhà bếp đã nghe mùi thơm từ món thịt kho trứng lan tỏa.

Lực lượng mỏng nhưng đội ngũ nhà bếp phải chia nhân sự để lo bữa ăn cho các đối tượng chăm sóc khác nhau: trẻ sơ sinh, trẻ theo nhóm bệnh. Chị Dương Thị Tuyết, Phó khoa Dinh dưỡng của trung tâm, cho biết: “Khoa có 14 nhân viên nhưng phải chia ra 2 phòng nấu ăn và pha sữa cho bé nhỏ tuổi. Nhà bếp bận rộn từ rạng sáng để lo bữa điểm tâm cho hơn 300 suất. Pha sữa cho trẻ sơ sinh cũng phải theo từng độ tuổi, trẻ cai sữa thì phải nấu thức ăn dặm. Trẻ lớn bị liệt thì xay thức ăn thành bột để bơm vào. Trẻ mất nhận thức thì phải xay nhuyễn thức ăn. Trẻ suy thận phải cho ăn lạt… Những đầu bếp ở trung tâm phải có tâm huyết”. Vừa gọt củ quả, phụ bếp Nguyễn Thanh Hoàng Nam kể: “Bữa sáng thường rất lâu và vất vả nhất trong ngày, do phải nấu theo từng món khác nhau để bữa ăn phong phú thêm. Chẳng hạn như nấu cơm chiên thì bây giờ đã gọt, cắt sẵn đậu đũa, khoai tây, cà rốt… để mai nấu cho nhanh. Để chiên cơm đều lửa với số lượng lớn cũng phải mất rất nhiều thời gian”.

Bác sĩ Lê Thị Hương Lan, Phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng mang đến sức khỏe hàng ngày. Do vậy, để có thể chuẩn bị bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho các em khuyết tật, trung tâm quan tâm sắm thiết bị máy móc; các đầu bếp được cử đi đào tạo nấu ăn chuyên nghiệp theo bệnh lý”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục