Miệt mài mưu sinh

THU HƯỜNG 
Miệt mài mưu sinh

Đêm giao thừa, khi pháo hoa bắt đầu bắn lên trời sáng rực rỡ, chúng tôi thấy người phụ nữ chừng 40 tuổi gương mặt in hằn sự cơ cực đang lui cui nhặt từng vỏ lon nước ở đường Mai Chí Thọ (quận 2, TPHCM). Đó là chị Đinh Thị Sót (quê Quảng Ngãi). Chị gượng cười chia sẻ: “Khi nào có điều kiện, tui sẽ đưa tụi nhỏ vào đây ăn tết để được ngắm pháo hoa, chắc tụi hắn thích lắm! Nhà tui trong bản nên tụi hắn chưa biết pháo hoa thế nào, năm rồi mới được xem qua ti vi”.

Chị kể, đây là đêm giao thừa thứ năm chị không về quê nhà cùng gia đình, để kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Tết ở lại lượm ve chai cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
 
Phía bên kia đường, anh Phạm Văn Thu cũng đang đẩy xe chào mời khách mua cá viên chiên. Từ Thanh Hóa vào TPHCM kiếm sống, 10 năm qua vợ chồng anh đều tranh thủ bán vào những ngày tết để kiếm thêm thu nhập. Anh tâm sự: “Những người lao động nghèo như chúng tôi có chút an ủi là sáng mùng 1 Tết cả xóm lao động quây quần ăn uống, chúc tụng nhau, vậy là xong tết, rồi ai nấy lại về với công việc thường ngày của mình. Tụi nhỏ cũng quen rồi, bánh tét, củ kiệu đó, tự lấy ăn. Khuya bố mẹ về tới nhà chúng cũng đã ngủ”.

Không chỉ những người có gia đình, phải lo cơm áo gạo tiền cho cả nhà, lo ăn học cho con cái, nên phải tranh thủ làm thêm ngày tết, không ít thanh niên từ các vùng quê nghèo về TPHCM học đại học cũng bươn chải làm thêm trong những ngày tết để kiếm tiền ăn học. Mai Quốc Toản (quê Hà Tĩnh, sinh viên năm cuối ĐH Tôn Đức Thắng) đã có 4 cái tết ở lại TPHCM làm thêm. Với Toản, tết năm nào cũng là dịp để cậu kiếm đủ tiền cho học kỳ sau.

Toản chia sẻ: “Học phí học kỳ đầu của năm là tiền em làm thêm dịp hè, học kỳ thứ hai là tiền làm thêm dịp tết. Từ ngày 20 Tết em đã nhận giao hàng cho một cửa hàng chuyên cung cấp quà tết, chiều 30 Tết hoàn thành công việc ở cửa hàng, em thuê xe bán kem của một chú cùng xóm trọ để đi bán vào mấy ngày tết. Hoàn cảnh nhà em không như các bạn nên chuyện vui chơi với em là điều gì đó xa xỉ lắm. Khi nhận giấy báo nhập học, em đã hứa là tự lo cho bản thân rồi”.
 
Cùng cảnh ngộ phải bươn chải làm thêm trong khi các bạn cùng trang lứa xúng xính quần áo đẹp đi chơi tết, Lương Đức Quang (quê Ninh Thuận, sinh viên năm 2, ĐH Văn Lang) vẫn đẩy xe cá viên đi bán. Quang tâm tình: “Mẹ em phát bệnh phải vào trong này điều trị, số tiền dành dụm đóng học phí kỳ tới em đã xài hết, nên giờ phải tranh thủ “cày”, hy vọng bán mấy ngày tết cũng thêm được ít tiền trang trải”.

Nhiều sinh viên vẫn miệt mài mưu sinh trong đêm giao thừa.
 
Hàng ngàn người vẫn miệt mài mưu sinh trong những ngày tết đoàn viên của dân tộc. Chúng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt đỏ hoe, tiếng rao hàng lạc giọng trong những ngày đầu năm mới, song chúng tôi rất tin ở nghị lực vươn lên và ý thức trách nhiệm với gia đình của những người lao động đáng mến ấy.

THU HƯỜNG 

Tin cùng chuyên mục