Tránh sập bẫy lừa đảo giả danh công an

Sáng 22-11, Công an TPHCM phối hợp với Công an quận 3 (TPHCM) đã bắt khẩn cấp 5 đối tượng lừa đảo với thủ đoạn gọi điện thoại giả danh công an để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn lừa đảo này không phải là mới, vậy mà các đối tượng tội phạm vẫn thực hiện trót lọt để chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Vì sao người dân dễ sập bẫy lừa đảo giả danh công an?
Tránh sập bẫy lừa đảo giả danh công an

Sáng 22-11, Công an TPHCM phối hợp với Công an quận 3 (TPHCM) đã bắt khẩn cấp 5 đối tượng lừa đảo với thủ đoạn gọi điện thoại giả danh công an để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn lừa đảo này không phải là mới, vậy mà các đối tượng tội phạm vẫn thực hiện trót lọt để chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Vì sao người dân dễ sập bẫy lừa đảo giả danh công an?

Phong tỏa ngay tài khoản

Ở phường 9 (quận 3) có một nạn nhân vừa bị bọn xấu gọi điện thoại giả danh công an lừa số tiền 400 triệu đồng. Bà khai báo rằng, đã nhận được cuộc gọi vào điện thoại bàn, người bên kia đầu dây tự xưng là đội điều tra của Công an Hà Nội, nói nhà bà nợ cước sử dụng điện thoại gần 10 triệu đồng. Khi bà cho rằng không hề có chuyện nợ cước thì được hướng dẫn nhấn phím số 0 để gặp lãnh đạo cao hơn. Sau vài lần bà nhấn phím theo chỉ dẫn, thì được một người tiếp chuyện và cho biết trong quá trình điều tra, bà bị nghi ngờ liên quan đến một đường dây làm lộ thông tin ngân hàng với công an. Để chứng minh mình trong sạch, bà phải chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của công an. Số tiền đó sẽ được hoàn lại vào ngày hôm sau. Sau đó, nạn nhân biết mình bị lừa nên báo công an. Công an quận 3 liền liên hệ ngân hàng đề nghị phong tỏa ngay tài khoản đó.

Các đối tượng trong đường dây giả danh công an để lừa đảo Ảnh: ÁI CHÂN

Trong các vụ truy bắt bọn tội phạm lừa đảo qua ngân hàng, đã có sự phối hợp tích cực và hiệu quả của công an và các ngân hàng. Trung tá Đới Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 3, cho biết: “Từ các nguồn tin, các trinh sát đã tỏa đi đến một số tỉnh và quận, huyện TPHCM. Tại một nhà cho thuê trên đường Nguyễn Thị Tú (phường Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), công an đã kịp thời bắt giữ Dương Thị Nguyệt, 33 tuổi. Cách đó không xa, các trinh sát chặn bắt được Liu Wei Chun (34 tuổi, chồng của Nguyệt, người Đài Loan). Trước đó, tại tỉnh Bạc Liêu, một tổ trinh sát khác đã bắt được Nguyễn Văn Mộng, Lê Nguyễn Kiều Xuân, Huỳnh Hoàng Minh. Nếu chúng tôi không gấp rút đến hiện trường, bọn chúng đã tẩu thoát. Việc điều tra bọn tội phạm này cũng không dễ dàng gì, bọn chúng đều khai nhận mất CMND, thẻ ATM, thẻ visa… Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, trong vòng 2 ngày, chúng tôi đã bắt và cơ bản điều tra xong vụ án”.

Được cảnh báo mà vẫn mắc lừa

Trung tá Lê Văn Lê, Đội Trưởng Đội Tham mưu Công an quận 3, cho biết: “Năm trước, tại địa bàn quận 3 nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại giả danh công an. Chúng tôi đã triệt phá được băng nhóm 7 đối tượng. Sau đó, chúng tôi đã tuyên truyền giúp người dân cảnh giác bằng cách phát hành ngay tờ thông tin cảnh báo gửi đến từng hộ gia đình, nêu rõ cụ thể hành vi của bọn tội phạm công nghệ cao, cách phòng ngừa và cả số điện thoại đường dây nóng để người dân biết. Vậy mà thời gian gần đây, nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn này lại tái diễn. Chỉ riêng tại quận 3, tính từ đầu năm 2015 đã ghi nhận 18 vụ, đặc biệt từ đầu tháng 11-2015 đến nay đã ghi nhận 6 vụ. Đáng tiếc, trong số các nạn nhân cũng có người đã từng nhận thông báo cảnh báo của công an, vậy mà vẫn bị lừa”. Đã được cảnh báo, không thiếu nợ tiền cước, ít sử dụng điện thoại bàn, không liên quan đến đường dây tội phạm…, vậy tại sao các nạn nhân vẫn tin và chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo? Trả lời câu hỏi này, trung tá Lê Văn Lê cho biết: “Bọn tội phạm đã có kịch bản tinh vi hơn, yêu cầu người dân bấm phím chuyển trên điện thoại để gặp lãnh đạo cao hơn. Thực chất, đây là phần mềm được cài đặt sẵn, bọn tội phạm là một nhóm và cùng đường dây với nhau, khi người dân bấm phím chuyển thì mặc định là gặp đồng bọn của chúng. Do liên tục chuyển cuộc đàm thoại, người dân như lạc vào mê cung, tâm lý rất hoang mang, lo sợ. Khi khai báo vụ việc với chúng tôi, các nạn nhân đều cho biết gặp tâm trạng bất an này, do vậy đã mất cảnh giác và làm theo yêu cầu của bọn tội phạm. Đây là vấn đề tâm lý. Người dân nên lưu ý rằng cơ quan công an không bao giờ gọi điện thoại cho người dân và nêu các yêu cầu như vậy; khi cần sự hỗ trợ thông tin của người dân hay làm việc nào đó, cơ quan công an đều gửi thư mời. Trong đó, nêu rõ cơ quan, đội nghiệp vụ nào mời và gặp lúc mấy giờ, gặp ai, tại đâu… rất cụ thể. Việc điều tra, truy bắt tội phạm sử dụng điện thoại giả danh công an không chỉ là việc của công an, để phòng ngừa tội phạm, chúng tôi mong người dân hết sức cảnh giác. Khi phát hiện nhóm người lạ mặt mướn phòng lưu trú có biểu hiện khả nghi, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an kiểm tra và có giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật”.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục