Choáng với báo dành cho học trò

Thử đọc vài tờ báo dành cho lứa tuổi học trò có mặt tại Việt Nam hiện nay, hẳn phụ huynh sẽ choáng!

Bạn sẽ không thấy hình ảnh của những em học sinh nông thôn nghèo khó hiếu học, những đứa con hiếu thảo chăm sóc ông bà, phụ giúp cha mẹ, mà thay vào đó sẽ là hình ảnh của “hotboy”, “hotgirl” theo phong cách Hàn Quốc, ăn diện chải chuốt, quần là áo lượt như một người trưởng thành thực thụ... Và nếu thống kê thử một tờ báo đang được tuổi mới lớn yêu thích hiện nay, bạn sẽ cảm thấy giật mình khi thấy tờ báo này dành nhiều trang để đưa tin về chuyện tình cảm, đời tư ngôi sao trong và ngoài nước; nhiều trang dành để giới thiệu những địa chỉ ăn chơi; nhiều trang quảng cáo chỉ phù hợp với tuổi thành niên… Hiếm hoi lắm mới có những bài viết xoay quanh các vấn đề của tuổi mới lớn. Tuy nhiên, số lượng bài viết nói về tuổi mới lớn lại ít đi đúng “nghĩa vụ” của mình mà chỉ bàn về vấn đề tình cảm, giới tính, cách chưng diện, nêu các địa điểm mua sắm trang phục đắt tiền, cách “cưa đổ” ai đó, dấu hiệu nhận biết học sinh đang “say nắng”… Thậm chí tờ báo H. (số báo 1011) còn nêu ra những kiểu quay cóp tài tình với ý tán dương những học sinh cá biệt này. Chẳng lẽ, vấn đề chính của học sinh bây giờ không phải là học tập?

Bên cạnh đó, một vài tờ báo học trò có minh họa cho bài viết bằng những hình ảnh gợi cảm thường thấy trong truyện tranh Nhật Bản, mà một thời báo chí đã tốn khá nhiều bút mực để phản ánh. Cách sử dụng tiếng lóng và “ngôn ngữ mạng” của những tờ báo này thật đáng báo động. Một số tờ báo còn sử dụng những “từ ngữ mới” mà chỉ một bộ phận của độc giả này mới hiểu, hoặc dùng những từ mà ai muốn hiểu sao cũng được(?!). Điều đáng nói là giá của tờ báo dành cho lứa tuổi học trò - lứa tuổi chưa làm ra tiền lại khá đắt đỏ (có tờ lên đến 20.000 đồng).

Tôi chợt liên tưởng đến những vấn đề nóng bỏng của giới trẻ mà báo chí đã nói khá nhiều trong thời gian gần đây, đó là lối sống buông thả, luôn chạy theo những giá trị ảo… Phải chăng, những tờ báo này vì lợi nhuận mà quên đi nhiệm vụ chính của một tờ báo dành cho tuổi học trò, đó là: uốn nắn, giáo dục, định hướng cho các em về lối sống; cung cấp những kiến thức phục vụ cho nhu cầu học tập và rèn luyện nhân cách của các em.

NGUYỄN HOÀNG DUY

Tin cùng chuyên mục