Những tổ dân phố nghĩa tình

Những tổ dân phố nghĩa tình

Mô hình tổ dân phố nghĩa tình đã được phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TPHCM) nhân rộng. Ở đó, các cư dân tự nguyện giúp đỡ nhau, ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Đẩy mạnh các hoạt động tự quản

Phường Tây Thạnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện có 54.000 cư dân, trong đó có đến gần 30.000 người nhập cư từ các tỉnh. Phường nằm ở địa bàn giáp ranh 3 quận nên việc quản lý an ninh trật tự rất khó khăn. Trong điều kiện đó, mô hình tổ dân phố nghĩa tình đã thực sự có ý nghĩa đoàn kết cư dân trong cộng đồng, cùng chăm lo an sinh xã hội và lành mạnh cuộc sống ở khu dân cư.

Trong Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2010-2012, các cán bộ, đảng viên tổ 65 (khu phố 3) đã trăn trở với câu hỏi: “Làm cách nào giúp các hộ nghèo trên địa bàn, tạo đột phá trong phong trào đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư?”. Giải pháp được đề ra là phát huy tình làng nghĩa xóm, đẩy mạnh các hoạt động tự quản xây dựng cộng đồng, hình thành mô hình tổ dân phố nghĩa tình. Từ ý tưởng đó, Ban điều hành khu phố 3 nhất trí lên kế hoạch thí điểm mô hình tổ dân phố nghĩa tình tại các tổ 60, 65, 68, với phương châm phát huy dân chủ, khơi sức dân lo cho dân, cư dân cùng nhau chung tay giúp đỡ nhau trên tinh thần tự nguyện.

Gia đình anh Nguyễn Thế Vinh là hộ nghèo đầu tiên ở tổ dân phố 65 được tổ vận động chung tay giúp đỡ, vì nhà anh lụp xụp, ẩm thấp, chật chội đến mức khách đến không có chỗ ngồi, dột tứ tung khi trời mưa. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, khi vận động người dân tự nguyện ủng hộ kinh phí giúp sửa chữa nhà cho anh Vinh, số tiền nhận được không nhiều, tổ dân phố phải nhờ thêm sự hỗ trợ của UBND phường để có đủ kinh phí sửa chữa mái tôn chống dột. Nhờ vậy, gia đình anh Vinh có chỗ che mưa che nắng. Thấy việc giúp đỡ gia đình anh Vinh lợp nhà đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng nền nhà thấp hơn với mặt đường nên vẫn còn rất ẩm thấp, các cư dân bàn nhau đã giúp thì giúp cho trọn vẹn, thế là các hộ khác đã noi gương các hộ đi trước, giúp gia đình anh Vinh vật tư gạch, cát, xi măng. Hộ nào không có tiền hay vật tư giúp thì giúp sức nâng nền, sơn phết nhà. Cũng chính từ sự giúp đỡ chí tình của hàng xóm, đã tạo động lực cho gia đình anh Vinh ra sức lao động, đã thoát được nghèo.

Từ kinh nghiệm vận động giúp đỡ gia đình anh Vinh của tổ dân phố 65, các  tổ khác trong khu phố 3 đã áp dụng, vận động cư dân cùng chung tay giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Nhờ vậy mà các hộ Đỗ Thị Hoa, Hà Thị Mùi, Võ Đình Thắng… đã được bà con trong tổ giúp sửa lại nhà dột nát. Cuộc vận động tình làng, nghĩa xóm của khu phố 3 còn phát triển thêm các chương trình an sinh xã hội khác, như tư vấn giới thiệu cho hộ nghèo cách buôn bán kiếm sống hiệu quả, vận động tráng bê tông đường hẻm, lắp camera quan sát bảo vệ an ninh trong khu dân cư, giúp trông chừng nhà cho các hộ thường xuyên đi làm vắng nhà... Cũng giống trường hợp gia đình anh Vinh, có những hộ nghèo sau khi được bà con trong tổ giúp đỡ đã vươn lên ổn định cuộc sống. Đáng chú ý là trường hợp hộ chị Nguyễn Thị Phượng, từ một hộ rất nghèo trong khu phố, các thành viên làm lao động tự do, chạy ăn từng bữa, nay đã khá. Nhờ được hướng dẫn làm ăn và cho vay vốn, chị Phượng chuyển sang bán bánh xèo, rồi dần dần nâng cấp lên thành tiệm nhỏ. Sau vài năm ổn định việc buôn bán, gia đình chị Phượng đã thôi ở nhà thuê, mua được nhà, lo cho con cái học hành đàng hoàng.

Được sự hỗ trợ của bà con trong tổ dân phố, căn nhà lụp xụp của gia đình anh Võ Đình Thắng đã được sửa lại khang trang, gia đình còn nhận hàng về may gia công để cải thiện thu nhập

Lan tỏa ra khắp phường

Đến nay, mô hình tổ dân phố nghĩa tình của khu phố 3 đã được UBND phường Tây Thạnh nhân rộng ra khắp các khu phố. Kết quả rất đáng ghi nhận. Tổ 84 (khu phố 4) được mạnh thường quân lắp camera quan sát trong khu dân cư nhằm đảm bảo an ninh trật tự, nhiều nhà hảo tâm nhận thường xuyên phát gạo ủng hộ người nghèo ở tổ. Cùng với việc giúp hộ nghèo sửa nhà, khu phố 1 còn thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ miễn phí người dân, qua đó tạo không khí đoàn kết gắn bó cư dân. Câu lạc bộ còn tặng suất học bổng cho các học sinh hộ nghèo. Khu phố 1 đã trang bị được các thiết bị phục vụ cộng đồng, như: tủ thuốc cộng đồng ở đường Lưu Chí Hiếu, thiết bị chữa cháy, mắt thần quan sát... Nhiều tổ lắp đặt thùng rác để giữ mỹ quan và vệ sinh trong khu dân cư.

Ông Bùi Đức Sảng, Trưởng Ban điều hành khu phố 3, phấn khởi kể: “Gần 5 năm qua, bà con trong khu phố đã chung tay thực hiện được nhiều việc thể hiện tình làng nghĩa xóm, tương thân tương trợ đầy ắp tình người. Qua đó đã tạo cầu nối gắn kết người dân. Bằng hoạt động nhỏ nhưng rất thiết thực, mô hình tổ dân phố nghĩa tình đã xây dựng được một cộng đồng dân cư đoàn kết. Nhiều quỹ tương trợ đã được ra đời như quỹ trợ táng, vòng tay đồng đội, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai... để giúp các hoàn cảnh khó khăn. Để có được sự đồng tâm hưởng ứng của cư dân, toàn bộ các khoản thu để chăm lo an sinh xã hội phải được công khai minh bạch, có lấy ý kiến đồng thuận của người dân. Năm nay, khu phố tiếp tục triển khai thêm việc lắp camera quan sát ở nhiều tuyến hẻm”.

Bà Trương Phạm Lan Hương, Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, đúc kết bài học kinh nghiệm: “Mô hình tổ dân phố nghĩa tình đã lan tỏa khắp phường. UBND phường quan tâm định hướng, đề ra những tiêu chí để tổ dân phố thực hiện vận động tương trợ theo phương thức tự nguyện. Khu phố mở cuộc họp mời người dân cùng bàn thực hiện, phải nghĩ ra phương thức mới, việc mới, để thực hiện phù hợp với cuộc sống khu dân cư”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục