Quản lý bản quyền âm nhạc

Ngày nay, các sản phẩm âm nhạc được tạo ra không chỉ dừng lại ở việc truyền tải các cung bậc cảm xúc cho người nghe nhạc, mà còn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho những người đã đầu tư trí tuệ và vật chất để đưa các phẩm âm nhạc này đến với công chúng. Trong thời gian gần đây, vấn đề luật pháp Việt Nam quy định như thế nào về quản lý bản quyền âm nhạc đang được nhiều người quan tâm. Tổ chức quản lý tập thể

Ngày nay, các sản phẩm âm nhạc được tạo ra không chỉ dừng lại ở việc truyền tải các cung bậc cảm xúc cho người nghe nhạc, mà còn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho những người đã đầu tư trí tuệ và vật chất để đưa các phẩm âm nhạc này đến với công chúng. Trong thời gian gần đây, vấn đề luật pháp Việt Nam quy định như thế nào về quản lý bản quyền âm nhạc đang được nhiều người quan tâm.

Tổ chức quản lý tập thể

Theo quy định tại Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tổ chức quản lý tập thể (TCQLTT) là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ các chủ thể này. Theo đó, TCQLTT về bản quyền âm nhạc là tổ chức đại diện cho các tác giả hoặc ca sĩ hoặc nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình thực hiện quản lý việc sử dụng, khai thác của các tổ chức, cá nhân (đơn vị có nhu cầu sử dụng) các bài hát, bản ghi âm, ghi hình thuộc quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả, ca sĩ, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (sau đây gọi chung là “chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”). Căn cứ vào phạm vi được ủy quyền, TCQLTT sẽ đại diện các chủ thể quyền để thực hiện việc thu tiền bản quyền từ các tổ chức, cá nhân mà theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân đó có nghĩa vụ phải trả tiền khi sử dụng các bài hát, bản ghi âm, ghi hình dưới mục đích kinh doanh thương mại trong các lĩnh vực.

Để thực hiện việc quản lý bản quyền âm nhạc thông qua TCQLTT, các chủ thể quyền chỉ cần ủy quyền cho TCQLTT bằng văn bản, trong đó có nêu rõ các quy định về phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, định kỳ báo cáo và phân phối lại tiền bản quyền cho chủ thể quyền. TCQLTT sẽ thực hiện nhiệm vụ căn cứ trên phạm vi được ủy quyền từ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các bài hát, bản ghi âm, ghi hình chỉ cần tiến hành các thủ tục thông qua một đầu mối là TCQLTT này thì sẽ được cấp phép sử dụng và trả tiền bản quyền một cách nhanh chóng, chính xác đến chủ thể quyền. Sau khi đã thực hiện thủ tục đăng ký cho việc sử dụng tại TCQLTT, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền dựa trên sự đàm phán của đôi bên, nhưng phải căn cứ vào quy định của luật pháp quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay (TCQLTT cũng phải có riêng biểu giá thu tiền, tùy theo mức độ sử dụng trong từng loại lĩnh vực để thuận tiện cho các bên khi thỏa thuận việc cấp phép sử dụng). Cuối cùng, sau khi các tổ chức, cá nhân thực hiện việc chi trả tiền bản quyền, TCQLTT sẽ tiến hành phân phối lại tiền bản quyền cho các chủ thể quyền theo định kỳ mà TCQLTT và chủ quyền đã thỏa thuận.

Vẫn chưa thực sự hiệu quả

Thực tế cho thấy các TCQLTT về bản quyền âm nhạc ở Việt Nam dần dần đã đi vào nhận thức của người sử dụng, người sử dụng nhạc có ý thức rằng, khi họ muốn sử dụng nhạc thì phải xin phép và liên hệ với TCQLTT - đơn vị đại diện cho chủ thể quyền. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn mà nói, so với nạn vi phạm bản quyền âm nhạc tràn lan hiện nay, việc sử dụng có xin phép thông qua TCQLTT chỉ chiếm phần nhỏ. Nguyên nhân của vấn đề này là nhận thức cũng như ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức sử dụng âm nhạc chưa cao; thêm vào đó do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết trong quá trình tác nghiệp giữa các cơ quan có thẩm quyền cùng với sự chồng chéo giữa các hàng loạt quy định của văn bản pháp luật có liên quan đã tạo nên sự khập khiễng trong suốt quá trình thực thi pháp luật quyền sở hữu trí tuệ, chính những tác nhân này vô hình chung đã kéo sự xung đột lợi ích giữa các chủ thể quyền và các bên sử dụng quyền ngày càng trầm trọng hơn. Các TCQLTT ở Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc chưa nhiều, điều này khiến cho các TCQLTT đang tồn tại bị “quá tải” trong việc quản lý, thực thi thu tiền tác quyền. Ngoài ra, việc chỉ tồn tại một số ít TCQLTT ở Việt Nam hiện nay khiến cho TCQLTT này gần như là độc quyền và tổ chức, cá nhân (người có nhu cầu sử dụng) không thể có sự lựa chọn khác như tìm kiếm các đơn vị tương đương đại diện cho các chủ thể quyền để đàm phán cho việc sử dụng. Trong khi đó, việc đàm phán sử dụng nhạc trả tiền tác quyền là mối quan hệ dân sự, tức các bên có thể đàm phán về mức tiền tác quyền để cân đối quyền lợi giữa đôi bên.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục