Lợi dụng từ tâm

Gần đây, trên địa bàn TPHCM xuất hiện rất nhiều đối tượng giả dạng người bệnh, khuyết tật, nhà sư... để xin tiền, lợi dụng từ tâm và cả tin của người dân. Qua thông tin từ bạn đọc, PV Báo SGGP đã theo dõi, ghi nhận.
Lợi dụng từ tâm

Gần đây, trên địa bàn TPHCM xuất hiện rất nhiều đối tượng giả dạng người bệnh, khuyết tật, nhà sư... để xin tiền, lợi dụng từ tâm và cả tin của người dân. Qua thông tin từ bạn đọc, PV Báo SGGP đã theo dõi, ghi nhận.

Thầy tu giả danh

Trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5, TPHCM), chúng tôi bắt gặp một người đàn ông khoác áo thầy tu đang ngồi xin tiền từ thiện trước Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bộ dạng ông này không phải là người tu hành, vì trang phục lôi thôi, cánh tay băng bó, râu ria bờm xờm, lại luôn miệng... chửi tục. Mỗi khi có người đi qua, ông ta liên tục nói: “Xin thí chủ cho ít tiền tôi chữa bệnh, Nam mô A Di Đà Phật!”.

Chịu khó theo dõi, chúng tôi đã xác minh được đây là thầy tu giả danh. Người đàn ông này chừng 60 tuổi, thường được gọi là thầy Sáu. Cứ tầm 6 giờ 30 ông ta bắt xe ôm tới cổng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khoác lên mình một bộ áo thầy tu màu nâu, tay cầm một chiếc xô nhựa nhỏ. Ông ta vừa bước tới cổng bệnh viện, một bà bán vé số hỏi: “Hôm qua xin được nhiều không ông, tụi tôi bán ế quá?”. Ông liền đáp: “Cũng đói chết cô em à, chắc lấy vé số về vừa bán vừa xin, mới may ra có tiền tiêu”. Bà bán vé số cười, trêu chọc: “Tôi lại tính chuyển qua xin như ông, chỉ ngồi một chỗ lại có tiền nhiều, ông chỉ mua cái áo đó ở đâu đi!”.

Thầy tu giả xin tiền trước Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới


Từ sáng đến trưa, nhiều bệnh nhân đi qua bỏ tiền vào xô tiền của thầy Sáu, có người hào phóng cho 100.000 - 200.000 đồng. Chúng tôi nhẩm tính trong một buổi sáng ông ta cũng thu về được cả triệu đồng. Tiến lại gần quan sát, chúng tôi thấy tay phải của ông quấn băng trắng, bên cạnh có cuốn sổ khám bệnh bọc trong túi ni lông ghi tên “Thích Quảng Lợi”, địa chỉ ở quận 8, không ghi nơi tu hành ở chùa nào. Nghe hỏi thăm tay bị sao phải băng bó, ông ầm ừ nói: “Tay ta bị cây gỗ đè trong một lần làm việc trong chùa, vết thương nhiễm trùng rồi mà chưa có tiền chữa”. Quan sát suốt nhiều giờ liền, chúng tôi thấy người đàn ông này không rời khỏi vị trí, mỗi khi mỏi chân lại duỗi ra, thụt vào, lúc thì ngủ gật. Cứ sau 10 phút lại lấy điện thoại ra xem gì đó. Lúc vắng người qua lại thì ông ngồi đếm tiền, bỏ vào túi số tiền chẵn, còn tiền lẻ để lại vào xô.

Lúc 9 giờ 30, có một chị tuổi trung niên đi qua, bất ngờ thầy Sáu buông lời chọc ghẹo. Thấy bất bình, một anh xe ôm đứng chờ khách ở đây quát: “Thầy bà gì mà đàn bà đi qua cứ chọc bậy người ta hoài vậy!”. Thầy Sáu trừng mắt xổ một tràng những câu chửi tục. Đến khoảng 12 giờ, thầy Sáu leo lên xe ôm đi về. Hình như để tránh bị bám đuôi, ông ta bảo anh xe ôm lượn vào các con hẻm ở quận 5. Lần lượt từ đường Cao Đạt - Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo, rồi mới vòng ngược lại đến đường Trần Phú. Vừa đến đoạn giao với đường Trần Bình Trọng - Trần Phú, ông bảo anh xe ôm dừng lại và tự mình đi bộ về, đi được vài chục mét liền rẽ vào hẻm 85 đường Trần Phú, phường 9, quận 5.

Chúng tôi hỏi thăm một chị là người dân trong hẻm về “thầy tu” này. Chị nói: “Chừng 5 tháng nay ông ta thuê trọ ở đây. Ông ta không phải nhà sư gì đâu, hàng ngày vẫn giả thầy tu để đi xin tiền người ta đó”. Anh chạy xe ôm vừa chở thầy Sáu về cũng cho biết: “Cha này có phải nhà sư tu trong chùa nào đâu, lúc đầu đến đây chúng tôi còn cho, chứ dần biết chỉ là sư giả danh nên chẳng ai cho tiền nữa”. Chiều từ 17 giờ thầy Sáu lại bắt xe ôm đến chân cầu Chữ Y (quận 8) rồi đi bộ tìm chỗ râm mát, cũng sử dụng chiêu trò xin tiền.

Vào vai bệnh nhân

Gần đây, nhiều kẻ lừa đảo vẫn ngày ngày tới các bệnh viện để vào vai bệnh nhân túng ngặt, xin tiền chữa bệnh. Khoảng 7 giờ 30 hàng ngày, một phụ nữ chừng 55 tuổi, thân hình to béo, đầu trọc, chân đi dép lê, tay cầm bịch thuốc và giấy tờ khám bệnh, đi bộ tới trước cổng Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) ngồi bệt xuống vỉa hè than nghèo, kể khổ, từ quê vào TPHCM chữa bệnh nhưng hết tiền. Thấy ai đi qua, bà ta liền mở lời: “Cô chú ơi cho tôi ít tiền chữa bệnh, ở quê lên đây chữa bệnh mà hết tiền về rồi. Lại còn có đứa con trai tật nguyền không ai chăm sóc”. Trong khi kể, tay trái cầm bịch thuốc huơ qua huơ lại, còn tay phải ngửa ra lấy tiền. Nhiều người thấy bất nhẫn nên cho ít tiền. Đến lúc thấy đã xin đủ tiền ở chỗ này, bà ta bỗng dưng đứng dậy đi khệnh khạng, khỏe khoắn đến lạ thường, không hề bị bệnh tật, liệt chân gì cả. Đi hướng vào trong bệnh viện, bà bắt đầu ngửa tay xin tiền tiếp.

Quan sát cả buổi sáng, chúng tôi thấy bà ta đi vòng khắp ngoài và trong bệnh viện, xin được vài trăm ngàn đồng. Đến trưa, bà lại đi xin cơm từ thiện, rồi dạt về một góc tường bệnh viện vừa ăn vừa xin tiền. Các bác chạy xe ôm trước cổng bệnh viện cho biết người phụ nữ này đã hoạt động ở đây gần 3 năm nay, chuyên giả dạng bệnh nhân xin tiền người khác. “Bà ấy chả có bệnh tật gì đâu, bệnh gì mà cả mấy năm nay cứ ngồi la lết, lúc thì đi cả ngày mà chả sao, kiếm được chút tiền lại đi đánh lô đề”. Cũng theo thông tin từ cánh xe ôm, mỗi ngày bà này thu lợi vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng. Đến 15 giờ, khi thấy mệt sức vì đi lại nhiều, bà đi về một căn phòng trọ cách đó chừng 1,5km, trong một con hẻm tại phường 7 (quận Bình Thạnh).

Trong nhiều ngày theo dõi các đối tượng này, chúng tôi còn phát hiện một số đối tượng cũng dùng những kịch bản tinh vi lừa xin tiền. Đặc biệt, tại khu vực quận 1 (TPHCM) thường xuyên xuất hiện một người đàn ông trung niên dắt chiếc xe máy cũ 51F9-5197 giả hết tiền đổ xăng để về quê. Qua xác minh, chúng tôi hay đây là một con nghiện thường xin tiền để mua ma túy. Cho dù các đối tượng lừa đảo hoạt động trong một thời gian dài nhưng ít ai phát hiện. Đa số những người cho tiền là người nhà các bệnh nhân, có lòng từ bi nên dễ dàng rút tiền ra làm việc thiện. Anh Hoàng (quê ở Tây Ninh) đưa vợ xuống Bệnh viện Ung bướu chữa bệnh, chia sẻ: “Nhìn thấy họ bệnh tật, nghèo khó nên tôi không hay là mình bị lừa đâu. Cứ nghĩ giúp họ ít tiền cho đỡ tội nghiệp”.

HUYỀN NHÃ

Tin cùng chuyên mục