Họp phụ huynh hay… “phụ thu”?

Khi đi dự cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm học, không ít người… ngán ngẩm. Bởi lẽ ai cũng hiểu, nội dung chính của cuộc họp “vòng vo rồi chỉ đóng tiền là kết thúc”. Có điều, dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng phản ánh nhưng chuyện đóng tiền đầu năm học xem ra vẫn khiến PHHS các trường tại TPHCM đau đầu.
Họp phụ huynh hay… “phụ thu”?

Khi đi dự cuộc họp phụ huynh học sinh (PHHS) đầu năm học, không ít người… ngán ngẩm. Bởi lẽ ai cũng hiểu, nội dung chính của cuộc họp “vòng vo rồi chỉ đóng tiền là kết thúc”. Có điều, dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng phản ánh nhưng chuyện đóng tiền đầu năm học xem ra vẫn khiến PHHS các trường tại TPHCM đau đầu.

Đi họp phải mang bạc triệu

Đó tưởng như chỉ là chuyện đùa nhưng là sự thật. Sáng 14-9, chị Kiều Loan, có con học lớp 10 tại một trường gần cầu Kiệu (quận 1) sau khi đi họp phụ huynh về, than thở: “Cũng quanh chuyện đóng tiền thôi. Đóng hơn bạc triệu, nhiều phụ huynh nhăn mặt nhưng không ai dám nói. Riêng khoản đóng cho PHHS trường đã lên đến hơn 946.000 đồng. Linh tinh đủ thứ, như tiền học 2 tháng, tiền nước, tiền ghế nhựa cho các cháu ngồi dưới sân, tiền bảng tương tác, phí vệ sinh… Riêng khoản tiền quỹ, hội PHHS trường “chỉ xin” mỗi phụ huynh góp 100.000 đồng để xây sửa nhà vệ sinh, còn quỹ lớp bắt buộc mỗi PHHS đóng 300.000 đồng để chăm lo cho các cháu”.

Cũng sáng 14-9, anh Thanh Sơn đi họp cho con đang học tại một trường ở quận 5 cho biết: “Phải đóng tất cả hơn 1,3 triệu đồng, gồm quỹ lớp, quỹ trường và nhiều thứ linh tinh khác. Biết là… “đau bụng” lắm nhưng không đóng không được!” - anh cười vẻ méo xệch.

Sáng 14-9, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) một chị vừa họp PHHS ra đã bức xúc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP cho biết, lớp con chị PHHS phải đóng quỹ lớp 460.000 đồng, quỹ trường 235.000 đồng. Chị cho biết thêm, so với năm ngoái thì năm nay phải đóng thêm mỗi tháng 80.000 đồng tiền học phòng multi và tiền nước uống năm nay lên đến 200.000 đồng.

Gánh nặng tiền bạc đè lên vai PHHS. “Rút kinh nghiệm” các năm trước bị dư luận phản ứng, nên năm học này các trường đã bỏ khoản “tiền cơ sở vật chất” hay “sổ vàng”, mà thay vào đó là tiền quỹ, trong đó, 2 khoản đóng góp nặng nhất là quỹ trường và quỹ lớp. Tất nhiên, ban giám hiệu nhà trường gần như giấu mặt và đứng ra thu các khoản quỹ này không ai khác hơn là… ban đại diện PHHS, mà nhiều người gọi đùa là hội… phụ thu.

Chị Trương Thị Lệ sau khi dự họp PHHS tại một trường THPT đã ngán ngẩm: “Nói bạc triệu ai cũng ngán, nhưng chừng ấy chỉ mới đóng cho học kỳ 1 thôi, còn học kỳ 2 và cuối năm nữa…”.

Phòng máy tính của Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận 5, TPHCM) với hơn 50 máy tính, được trang bị từ kinh phí ủng hộ của PHHS.

Những khoản thu khó hiểu

Hơn một tuần nay, dư luận PHHS ở quận 3 nóng hẳn lên sau cuộc họp PHHS đầu năm ở Trường THCS Colette. Theo phản ánh của các PHHS, trong “Lời nói đầu” ban giám hiệu nhà trường đã gợi ý sẽ sửa chữa nhà vệ sinh của trường theo hướng hiện đại, gắn thiết bị cảm ứng và số tiền cần huy động khoảng… 2 tỷ đồng! Nghe số tiền quá lớn này, nhiều PHHS thực sự sốc.

Một PHHS tâm sự: “Học sinh có cần phải xài thiết bị cảm ứng không, sao nhà trường buộc PHHS phải nai lưng ra đóng tiền?”. Báo chí phản ánh, hiệu trưởng nhà trường trả lời rất gọn: “Chỉ mới là gợi ý, nếu PHHS phản đối thì thôi!”. “Điều đó có nghĩa nếu PHHS không đóng 2 tỷ đồng thì con em chúng tôi vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh cũ, hôi thối sao?”. Một khoản thu kỳ dị khác ở trường này là tiền máy lạnh.

Chiều 11-9, tiếp xúc với một số PHHS đang chờ đón con trước cổng trường, chúng tôi nghe than: “Ngoài tiền quỹ trường, các PHHS phải đóng tiền máy lạnh suốt 4 năm học và giảm dần theo từng năm. Cụ thể, lớp 6 đóng 500.000 đồng, lớp 7 đóng 400.000 đồng, lớp 8 đóng 300.000 đồng và lớp 9 đóng 200.000 đồng”.

Xã hội hóa giáo dục là cần thiết, nhiều trường phổ thông đã được nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị hiện đại nhờ nguồn kinh phí ủng hộ tự nguyện, chí tình và có trách nhiệm của PHHS. Nhưng không thể “trăm dâu đổ đầu tằm”, nhất là khi PHHS vừa mới lo toan cho con em đến trường với nhiều khoản chi “chóng mặt” trước đó như tiền quần áo, tiền tập, sách giáo khoa, giày dép…

"Trường không thu tiền cơ sở vật chất. Quỹ trường chỉ nhằm chi mua phần thưởng cho học sinh giỏi, đội tuyển, ngoài ra không dùng vào mục đích nào khác. Máy lạnh mấy năm trước đã trang bị rồi, không thu nữa, học sinh chỉ góp tiền điện hàng tháng. Các công trình của trường, trước khi làm sẽ khảo sát giá thật kỹ, hội PHHS tham gia ý kiến, bàn bạc và quyết định, nếu có thu hay vận động thì diện học sinh nghèo, khó khăn sẽ được miễn đóng góp".

Thầy ĐOÀN HỮU KHÁNH,
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM)

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục