Nước giếng bán giá trên trời!

Nước nhiễm phèn nặng
Nước giếng bán giá trên trời!

Nhiều khu đô thị mới tại TPHCM được xây dựng khang trang, nhưng cư dân không có nước sạch, phải mua nước với giá rất cao.

Nước nhiễm phèn nặng

Từ cầu Nhị Thiên Đường xuôi theo quốc lộ 50 khoảng 2km, rẽ vào đường số 10 là khu dân cư Bình Hưng (thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Khu dân cư này gồm nhà phố liên kế và nhà biệt thự được xây dựng từ năm 2000, với gần 2.000 hộ dân.

Ông Phan Văn Hướng (ngụ tại 35 đường 12) kể: “Hồi đó đến đây, thấy đẹp quá nên tôi mua một căn, dọn về ở. Nói chung mọi chuyện đều ổn, chỉ có chuyện nước sinh hoạt là khổ. Khi mua nhà, chủ đầu tư cho biết nước sinh hoạt ở đây do Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) cung cấp, thông qua trạm giếng bơm công suất 1.500m³/ngày. Nghe vậy thấy cũng được, ai cũng yên tâm, nào ngờ nước giếng khoan dù đã qua xử lý và “đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế” nhưng phèn rất nặng, muốn xài phải mua thêm bộ lọc, vài ngày xả bộ lọc thấy nước đen thui. Nhiều hộ cẩn trọng chỉ dùng nước này để tắm giặt và phải mua nước suối về để uống và nấu ăn”.

Nước giếng phèn nặng như vậy nhưng giá cũng không rẻ. Thời gian đầu, giá nước chỉ 5.000 đồng/m³, sau đó tăng lên 8.000 đồng/m³ và đến cuối tháng 3-2014, BCCI gửi thư ngỏ đến từng hộ dân than rằng do giá điện, giá nguyên liệu, hóa chất tăng 10% - 20%, nên kể từ đầu tháng 4-2014 tăng giá nước lên 9.000 đồng/m³.

Cư dân nghe mà… choáng, làm một lá đơn kêu cứu dài 3 trang A4 với hàng loạt chữ ký của người dân gửi đến các cơ quan chức năng liên quan. Nhưng đến nay BCCI vẫn đều đặn thu tiền nước với giá 9.000 đồng/m³.

Ở khu dân cư Bình Hưng (huyện Bình Chánh) nhà nào cũng phải trang bị bình lọc nước.

Bà Thái Thị Bẩu Tua (ngụ tại 28N đường số 19) bức xúc phản ánh, mỗi tháng cả nhà bà xài bình quân khoảng 30 - 40m³ nước. Mới đây, bà tá hỏa khi nhân viên của BCCI cho rằng đường ống nhà bà bị rò rỉ nên lượng nước sử dụng tháng 3-2014 lên đến… 4.332m³! Với giá nước 9.000 đồng/m³, quy thành tiền nước trong một tháng đến hơn 39 triệu đồng, và BCCI đã gửi công văn yêu cầu bà thanh toán, khiến bà mất ăn mất ngủ.

Cư dân Khu đô thị mới Trung Sơn (ấp 4B, xã Bình Hưng) cũng đang khổ vì chuyện nước sinh hoạt. Một cán bộ của xã Bình Hưng cho biết: “Khu đô thị mới Trung Sơn đẹp đẽ, sang trọng là vậy, nhưng do nguồn nước không đủ chuẩn, chủ đầu tư phải mua lại nước sạch của ngành cấp nước rồi phân phối lại cho dân. Có nước sạch, dân mừng, nhưng không hiểu vì sao giá nước đến hộ dân lại vọt lên 15.000 đồng/m³”.

Tương tự, tại Khu đô thị mới Nam Hùng Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), nguồn nước do chủ đầu tư cung cấp cũng không đảm bảo khiến nhiều hộ dân lao đao.

Lỗi tại anh, tại ả?

Một chuyên viên kỹ thuật có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực cấp nước cho hay: “Chúng tôi đã thử tính toán, với nước giếng bơm, xử lý theo 14 tiêu chuẩn quy định, tính đủ các chi phí (điện, thuế, nhân công…) thì giá thành một khối nước cũng chỉ khoảng 3.000 đồng. Bán với giá 5.000 đồng đã lời, nếu bán 9.000 đồng thì không thể chấp nhận”.

Bà Nguyễn Thị Quang Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết: “Lẽ ra muốn tăng giá nước thì phải họp dân, xin ý kiến, đằng này BCCI cứ tăng tùy tiện, nên xã đã họp dân, mời huyện dự để lắng nghe nguyện vọng cư dân. Được ngành cấp nước cung cấp nước sạch đang là mong mỏi của 4.000 hộ dân ở ấp 1, 1A, 2 và 2A”.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, khẳng định: “Đối với khu dân cư mới, chủ đầu tư phải đầu tư hạ tầng, ngành cấp nước không thể lấy ngân sách để đầu tư thay cho doanh nghiệp vì làm như vậy là sai quy định”. Ông cho rằng nếu BCCI không đủ nước cung cấp thì Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn sẵn sàng bán lại cho BCCI qua đồng hồ tổng với giá sỉ và có khấu trừ cho BCCI. Còn nếu muốn công ty cung cấp nước trực tiếp đến từng hộ dân thì phải bàn giao mạng ống hiện hữu, “nếu mạng ống đạt chuẩn kỹ thuật theo quy định, công ty sẽ tiếp nhận liền”.

Trả lời về việc vì sao một số hộ dân ở khu Trung Sơn phải mua nước sạch với giá lên đến 15.000 đồng/m³, ông Hiệp cho biết theo yêu cầu của chủ đầu tư, công ty cung cấp nước sạch qua đồng hồ tổng với giá theo đúng định mức, còn việc giá bán bao nhiêu là giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Thừa nhận thực trạng người dân nhiều khu dân cư mới lao đao với chuyện nước sinh hoạt do chất lượng nước không đủ chuẩn, giá cao, chủ đầu tư lấn cấn trong việc bàn giao mạng lưới cung cấp cho ngành cấp nước, ông Hiệp đề nghị giải pháp “cùng làm”: “Chính quyền đứng ra vận động dân góp tiền để đầu tư ống cái, còn ống nhánh vào từng nhà thì phía cấp nước sẽ gắn miễn phí. Với cách làm này, nước sinh hoạt cho khu dân cư Nam Hùng Vương đến nay đã ổn lắm rồi. Ở Bình Hưng, công ty cũng đã triển khai tại khu C3, C5…”.

Như vậy, cái khó đã có lời giải. Vấn đề là các ngành các cấp có chịu vào cuộc để giúp người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch hay không.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục