Rác thải phủ vùng ven

Nhiều bạn đọc bức xúc gọi điện tới đường dây nóng Báo SGGP phản ánh tình trạng rác thải đổ đầy ắp các tuyến đường vùng ven trên địa bàn TPHCM nhưng không được dọn dẹp dứt điểm. Mùi hôi thối của rác vừa bắt đầu phân hủy; mùi nhựa, nylon khét nồng từ các điểm đốt rác tự phát… là những gì đã và đang xảy ra tại các khu vực giáp ranh, dù rằng cơ quan chuyên trách luôn khẳng định đã làm hết sức mình.
Rác thải phủ vùng ven

Nhiều bạn đọc bức xúc gọi điện tới đường dây nóng Báo SGGP phản ánh tình trạng rác thải đổ đầy ắp các tuyến đường vùng ven trên địa bàn TPHCM nhưng không được dọn dẹp dứt điểm. Mùi hôi thối của rác vừa bắt đầu phân hủy; mùi nhựa, nylon khét nồng từ các điểm đốt rác tự phát… là những gì đã và đang xảy ra tại các khu vực giáp ranh, dù rằng cơ quan chuyên trách luôn khẳng định đã làm hết sức mình.

Rác ủ đống, tồn hàng tấn

Ghi nhận của PV, dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, rác thải được người dân tấp hàng đống vào lề đường, nhiều nhất là đoạn giáp ranh giữa quận 7 và huyện Bình Chánh. Nhiều điểm, rác lấp kín gốc cây, tràn ra kênh, rạch, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Một số hộ dân kinh doanh trên lề đường chủ động đốt rác cháy nham nhở để hạn chế phần nào số rác tồn kho, nhưng cũng chẳng được là bao. “Ngày nào cũng có người dân lén đổ rác. Ít thì vài món đồ, nhiều thì hàng bao lớn, có khi gà, chó chết cũng đem ra tuyến đường này vứt bỏ. Riết rồi nơi này biến thành bãi rác lộ thiên”, bà Nguyễn Thị Ngà, một người dân bán nước trên tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh cho biết. Ông Lê Bách, ngụ tại Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, bức xúc: “Ruồi, nhặng, muỗi phát sinh từ nguồn rác thải trôi nổi khiến người dân lo lắng, bất an. Ước tính, lượng rác dọc hai tuyến đường lên tới 4-5 tấn chứ không ít. Mỗi lần xe thu gom rác đi ngang, người dân mừng lắm, nhưng chỉ vài ngày sau, rác lại tấp vô lề đường như cũ”.

Rác thải đổ trên tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Không chỉ tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, mà một số tuyến đường giáp ranh khác như Trần Đại Nghĩa (giáp ranh quận Bình Tân với huyện Bình Chánh), đại lộ Võ Văn Kiệt (giáp quận 6 với quận Bình Tân), hành lang cầu Ông Buông (phường 14, quận 6), tỉnh lộ 22 (đoạn giáp huyện Hóc Môn với huyện Củ Chi)… cũng thường xuyên ngập rác thải. Chính tâm lý đổ lén rác thải vừa nhanh gọn, vừa không tốn phí nên nhiều hộ gia đình, có khi cả một số đầu nậu đua nhau tập kết rác tại các khu vực vùng ven, tuyến đường giáp ranh. Nhiều nơi, rác được ngụy trang tinh vi bằng tán cây cỏ phủ phía ngoài. Chỉ cần vạch bụi cỏ um tùm ra liền phát hiện những đống rác ngổn ngang, chất thành từng lớp. Bà Nguyễn Thị Vẹn, sinh sống gần Khu công nghiệp Lê Minh Xuân nói: “Sáng sớm, tôi thường phát hiện một số người lén lút vứt các bao tải rác vào lùm cây trên đường Trần Đại Nghĩa. Bên trong bao rác chứa nhiều lông gà, lông heo… Chúng tôi được biết họ làm nghề giết mổ lậu, nên phải gom nội tạng, da lông động vật vứt đi thật xa, tránh bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện”.

Cha chung không ai khóc

Trao đổi với PV Báo SGGP về thực trạng rác thải tràn ngập dọc tuyến đường giáp ranh, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết: “Hầu hết các đối tượng lén đổ rác đều là người dân từ nơi khác tới nên rất khó để xử phạt. Hơn nữa, nguồn rác trôi nổi này cũng không thuộc diện thu phí, nên mỗi lần thu gom, các xã đều phải tự bỏ tiền túi thuê những đơn vị rác dân lập xử lý, với tần suất khoảng 1 tháng gom 1 lần. Đối với tuyến đường Nguyễn Văn Linh, chúng tôi thường xuyên phối hợp với quận 7 để xử lý gom rác, làm sạch tuyến đường. Trước mắt, các xã giáp ranh có tuyến đường Nguyễn Văn Linh chạy qua đã cắt cử lực lượng chốt chặn, bắt “tại trận” những người dân vãng lai đổ rác chui để xử phạt theo quy định”.

Thông tin từ UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), vừa qua UBND xã đã phối hợp với Công ty Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh tổ chức ra quân, dọn dẹp vệ sinh dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh, thu gom được khoảng 3 tấn rác. Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã chủ động trực chốt dân phòng 1 tháng tại vị trí trạm trung chuyển rác quốc lộ 50. Tại thời điểm kiểm tra, chốt chặn, đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp xả rác thải không đúng quy định. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, lượng rác thải dọc tuyến Nguyễn Văn Linh vẫn tồn tại.

Tương tự, trả lời về số rác thải chất đống dọc hành lang cầu Ông Buông (phường 14, quận 6), ông Trần Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận 6, TPHCM thừa nhận: “Khúc cua lên cầu tạo ra khoảng trống lớn, có tường bao, người dân thấy vậy lén vứt rác, dù UBND phường có biển báo cấm đổ rác. Hầu hết người đổ là khách vãng lai, rất khó xử phạt. Chúng tôi vừa có đợt thu gom rác thải, xà bần, làm sạch tuyến cầu ông Buông, nhưng làm sạch xong người dân lại lén đổ”. Lý giải nguyên nhân rác thải vùng ven khó xử lý dứt điểm, một cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường huyện Bình Chánh thẳng thắn nhận định: “Làm sạch rác tại các tuyến đường giáp ranh là chuyện khó, không ai mặn mà. Bởi thực tế, chẳng địa phương nào muốn móc tiền túi mình chi trả cho việc dọn dẹp những đống rác vô chủ. Hơn nữa, vì là địa bàn giáp ranh, nên chắc chắn sẽ có sự đùn đẩy giữa các địa phương, xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc”.

Rác thải khu vực vùng ven đã và đang đe dọa trực tiếp đến môi trường, sức khỏe người dân. Các địa phương nên xem xét lại vai trò, phương pháp quản lý, giám sát của mình. UBND TPHCM đã phân cấp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho các quận, huyện trên địa bàn. Tuy nhiên, một số quận, huyện lại viện dẫn lý do khó quản lý, thiếu kinh phí…để biện hộ cho thực trạng rác thải bủa vây khu vực giáp ranh là điều dư luận khó có thể chấp nhận.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục