Bồi thường khi người làm công gây thiệt hại

Sau vụ tai nạn tại công trường xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), thanh sắt rơi từ cần cẩu thi công đã làm một người chết và nhiều người bị thương, một số bạn đọc đã nêu thắc mắc: Khi người làm công gây thiệt hại, ai sẽ phải bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động có trách nhiệm ra sao?

Sau vụ tai nạn tại công trường xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), thanh sắt rơi từ cần cẩu thi công đã làm một người chết và nhiều người bị thương, một số bạn đọc đã nêu thắc mắc: Khi người làm công gây thiệt hại, ai sẽ phải bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động có trách nhiệm ra sao?

Theo quy định tại Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Như vậy, khi người làm công gây ra thiệt hại trong lúc đang thực hiện công việc được giao, thì trách nhiệm bồi thường trước hết thuộc về người sử dụng lao động. Trong trường hợp người làm công có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người làm công hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Một điều cần lưu ý: Nếu người làm công gây ra thiệt hại khi thực hiện những công việc không được giao hoặc ngoài phạm vi thực hiện công việc được giao, thì người bị thiệt hại không có quyền yêu cầu người sử dụng lao động bồi thường.

Trường hợp thiệt hại xảy ra do vi phạm các quy định về an toàn lao động, cần xem xét điều kiện an toàn lao động đối với máy móc, trang thiết bị tại nơi làm việc. Điều 138, Bộ luật Lao động 2012 quy định khá rõ về nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có các nghĩa vụ: Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường. Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng. Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng. Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc. Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, người lao động cũng phải có nghĩa vụ trong việc chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp, thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động. Việc đảm bảo an toàn lao động không chỉ là trách nhiệm của người sử dụng lao động, cá nhân, chủ thể khác, mà còn là trách nhiệm của người lao động, người làm công. Tuy nhiên thực tế cần hơn nữa sự quan tâm của người sử dụng lao động với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; bên cạnh đó người lao động phải nâng cao ý thức trong việc tuân thủ nội quy, quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính người lao động.

Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người lao động khi có hành vi gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và được trừ hàng tháng vào tiền lương. Trường hợp làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc của người khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép, thì phải bồi thường thiệt hại theo giá trị thị trường; nếu có hợp đồng trách nhiệm phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm, trừ trường hợp do pháp luật quy định được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng gây chết người thì theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự và Điều 13 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động trong quá trình điều tra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục