Các trò lừa tinh vi trên mạng

Chiêu lừa nạp tiền qua thẻ cào điện thoại trên những trang mạng giải trí đã cũ mèm nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục bị mắc lừa. Trên mạng xã hội Facebook, những kẻ lừa đảo đang dùng chiêu lừa nhân gấp nhiều lần giá trị thẻ cào, cũng khiến nhiều người sập bẫy. Các chiêu lừa trên mạng đang ngày càng tinh vi hơn.
Các trò lừa tinh vi trên mạng

Chiêu lừa nạp tiền qua thẻ cào điện thoại trên những trang mạng giải trí đã cũ mèm nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục bị mắc lừa. Trên mạng xã hội Facebook, những kẻ lừa đảo đang dùng chiêu lừa nhân gấp nhiều lần giá trị thẻ cào, cũng khiến nhiều người sập bẫy. Các chiêu lừa trên mạng đang ngày càng tinh vi hơn.

Hướng dẫn nạp tiền tăng 10 lần giá trị thẻ của Viettel nhưng thực tế đó là cách chuyển tiền cho số điện thoại khác.

Gửi mã độc trong đường link

Gần đây, nhiều kẻ lừa đảo dùng thủ thuật gửi và tự động phát tán status chứa mã độc, do vậy trên Facebook đang xuất hiện tràn lan các status với nội dung mời chào nhấp vào đường link để xem các thông tin lạ, hấp dẫn. Nhiều kẻ lừa đảo cũng dùng thủ thuật gửi và tự động phát tán status với nội dung thông báo rằng mình vừa mới nạp thẻ cào điện thoại, được tặng gấp 10 lần giá trị thẻ khi làm theo cú pháp được hướng dẫn. Nội dung còn cho biết thông tin này được tiết lộ từ nhân viên làm tại các mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel…, đảm bảo chính xác. Để tạo thêm niềm tin, nội dung status luôn có đính kèm ảnh chụp màn hình điện thoại thể hiện tin nhắn từ tổng đài thông báo khách hàng đã được tặng gấp 10 lần giá trị thẻ cào.

Cung cấp thông tin về thủ thuật gửi và tự động phát tán status, ông Võ Ngọc Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cảnh báo: Những đường link như vậy thường có mã độc, nhấp vào sẽ bị nhiễm virus, khi đó các tin nhắn được lập trình tự động gửi đến danh sách bạn bè mà bản thân người gửi không biết. Từ đó kẻ lừa đảo sẽ lấy cắp được mật khẩu Yahoo, Gmail, Facebook…, nên tốt nhất không nhấp vào những đường link đáng ngờ.

Để kiểm chứng thủ thuật lừa, chúng tôi làm theo một thông tin nạp thẻ Viettel được tăng gấp 10 lần được xuất hiện trên nhiều trang Facebook với cú pháp bấm *103*8416xxxx*mã thẻ# rồi bấm OK. Làm theo cú pháp, chúng tôi nạp thẻ cào 20.000 đồng nhưng vẫn không thấy tiền xuất hiện trong tài khoản chính và phụ. Gọi Tổng đài 19008198, chúng tôi được nhân viên Huỳnh Quang Vinh cho biết đó là cú pháp trao tặng hay nạp thẻ cào cho số điện thoại 8416xxxx nằm sau lệnh *103*. Nhân viên Vinh cũng khuyến cáo rằng hiện nay có nhiều trang mạng lừa đảo nạp thẻ cào được tăng giá trị, nhưng thực tế tổng đài không có chương trình khuyến mãi đó.

Còn nhiều chiêu lừa

Người dùng phần mềm Zalo, Viber… luôn nhận được tin nhắn trúng thưởng trị giá xe tay ga đời mới với giá trị gần 60 triệu đồng, mời nhấp chuột vào một trang web để biết thêm chi tiết. Truy cập vào trang này, thấy ngay bảng “Chào mừng bạn đến hệ thống web thủ tục nhận giải từ sự kiện tri ân khách hàng năm 2014”. Bấm OK, tiếp tục nhận được lời nhắn: “Vui lòng nhập đầy đủ thông tin quý khách để nhận giải”, hay “Liên hệ với số điện thoại để được giải đáp”. Zalo Việt Nam cho hay đã từng đưa thông tin cảnh báo việc thông báo trúng thưởng là lừa đảo vì Zalo không tổ chức sự kiện nào liên quan đến giải thưởng, khuyến mãi đến khách hàng.

Ngoài ra, trên mạng còn có chiêu lừa trong hoạt động mua bán điện thoại, máy tính trên mạng, giao hàng tận nơi. Bạn đọc Lê Hồng Trâm (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, khi mua trên mạng, thấy có địa chỉ cụ thể, tên cửa hàng nổi tiếng nên chị tin tưởng. Dịch vụ giao hàng tận nơi nhưng khi người giao hàng về được 30 phút thì điện thoại không lên nguồn, gọi điện thoại cho người giao hàng thì số điện thoại đã khóa. Đến cửa hàng khiếu nại thì chủ tiệm cho rằng không có dịch vụ bán giao hàng tận nơi, dấu mộc bảo hành cũng không phải của tiệm.

Những chiêu lừa trên mạng như trên đã xuất hiện từ lâu, nhưng được biến đổi liên tục, đánh vào lòng tham của con người. Những đối tượng lừa đảo thường nhắm vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, khuyến mãi…, cùng ăn theo nhà mạng để đánh lừa người dân dễ dàng hơn; rao phần thưởng trúng giải rất lớn, số tiền vài chục triệu đồng. Nếu lỡ các máy tính, điện thoại smartphone bị dính mã độc, người dùng nên đưa đến nơi bảo hành, sửa chữa chuyên nghiệp để được giúp tiêu diệt mã độc. Hiện nay, việc xử lý các trang mạng gửi mã độc rất khó, bởi đối tượng lấy tên vùng miền nước ngoài với đuôi .com, .net, .us… để tránh việc truy tìm của cơ quan chức năng trong nước. Những trang mạng xã hội là cộng đồng giải trí, thông tin lừa đảo do kẻ xấu đưa lên, nên khi nhấp vào đường link chứa mã độc thì người dùng mạng xã hội phải tự chịu hậu quả, do vậy cần phải cảnh giác nhận biết.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục