Nhà ở cho công nhân vẫn xa tầm với

An cư mới lạc nghiệp, nhưng với nhiều công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), ước mơ có căn nhà hay căn hộ vẫn xa tầm tay với.
Nhà ở cho công nhân vẫn xa tầm với

An cư mới lạc nghiệp, nhưng với nhiều công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), ước mơ có căn nhà hay căn hộ vẫn xa tầm tay với.

Gian nan ở trọ

Hơn 20 năm trước, tại TPHCM, hàng loạt KCN-KCX được thành lập, đã thu hút hàng vạn lao động từ các nơi đổ về. Những công nhân làm việc trong nhà máy là các chàng trai, cô gái tuổi mới lớn, đầy khát vọng, chấp nhận xa quê để xây dựng cuộc sống mới. Lực lượng lao động trẻ nhập cư không chỉ đáp ứng nhu cầu về sức lao động mà còn góp phần làm nên sức sống mới cho TPHCM.

Ở các quận - huyện ven như Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh... tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp đã hình thành những khu dân cư công nhân, chợ công nhân. Những lớp thanh niên ngày đầu vào TPHCM nay đã lập gia đình, chọn TPHCM làm quê hương thứ hai của mình. Vậy nhưng, rất nhiều người trong số đó vẫn chưa tạo lập được nhà ở, phải ở nhà trọ, cuộc sống bấp bênh.

Chị Trần Thị Huệ, nhân viên kế toán làm việc tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức), đang ngụ tại căn phòng trọ trong con hẻm nhỏ ở phường Linh Xuân (quận Thủ Đức), kể: “Ngày vào TPHCM, tôi còn độc thân, nay đã lập gia đình, sinh cháu bé nhưng vẫn phải ở phòng trọ. Ước mơ có căn nhà, dù nhỏ bé, để làm chỗ ở cho gia đình nhỏ vẫn còn là mơ, chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực”.

Anh Ngò, chồng chị Huệ, cũng từ miền Trung vào, cho biết thêm, công việc của hai vợ chồng tương đối ổn định, thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng. Ngoài tiền mua sữa cho con, tiêu dùng hàng ngày, hàng tháng còn phải trả gần 2 triệu đồng tiền thuê nhà, nên số tiền tiết kiệm chỉ đủ để phòng thân lúc đau ốm hay về quê thăm nhà. Không riêng gia đình chị Huệ, nhiều gia đình trẻ trong khu nhà trọ này cũng trong tình cảnh tương tự.

Khu nhà ở Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) được xây dựng khang trang nhưng chưa có nhiều công nhân lựa chọn.

Đến KCX Tân Thuận (quận 7), KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), KCN Tân Tạo (quận Bình Tân)… dễ nhận thấy còn rất nhiều gia đình trẻ, công nhân độc thân sống trong các khu nhà trọ do người dân xây dựng, diện tích chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.

Theo số liệu của Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM, hiện nay trên địa bàn có 3 KCX, 10 KCN, có trên 250.000 công nhân lao động. Ngoài các KCX-KCN, các nhà máy, cơ sở sản xuất bên ngoài cũng có lực lượng lao động không nhỏ. Điều dễ nhận thấy, với thu nhập thực tế của công nhân hiện nay thì khả năng tự tích lũy để mua đất làm nhà, mua căn hộ chung cư chỉ là phần ít, còn đại đa số phải chọn giải pháp ở nhà thuê. Trong khi đó, các chủ trương chính sách về nhà ở của nhà nước chưa thực sự đến với người lao động.

Cần chính sách linh hoạt, cụ thể hơn

Được biết, thời gian qua một số KCN-KCX đã đầu tư tiền tỷ xây dựng các khu nhà ở, khu lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên số lượng căn hộ, phòng ở xây mới vẫn còn khiêm tốn so với lực lượng lao động. Điều băn khoăn, trăn trở cho nhà quản lý khi các khu nhà ở này lại chưa phải chốn an cư cho công nhân.

Ông Đoàn Phi Hồng, Tổ trưởng tổ quản lý khu nhà ở công nhân (KCN Vĩnh Lộc), cho biết, đơn vị đã đầu tư xây dựng 88 căn hộ và 256 phòng để làm nơi ở cho công nhân, người lao động làm việc trong KCN. Cả KCN Vĩnh Lộc có đến 20.000 công nhân. Khu nhà đã được khánh thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, nhưng đến nay số người vào ở vẫn chưa đến 50% số phòng.

Ông Hồng cho biết thêm, giá cho thuê phòng ở chừng 2 triệu đồng mỗi tháng và giá cho thuê căn hộ khoảng 2,6 - 5 triệu đồng, bằng mặt bằng chung trong khu vực. Vậy mà, người lao động vẫn chọn những căn phòng trọ nhỏ, chật chội, không đảm bảo vệ sinh và an ninh trật tự ở xung quanh, thay vì vào ở trong những căn phòng, căn hộ khang trang. Có lẽ, nhiều công nhân vẫn quen nếp sống tự do, thoải mái thay cho đời sống công nghiệp, kỷ luật trật tự nên chưa mặn với các khu nhà ở công nhân tập trung.

Trong khi nhà ở công nhân chưa hấp dẫn, còn gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân, trong đó có công nhân lao động trong các KCN-KCX mua nhà cũng chưa dễ tiếp cận. Nhiều công nhân cho biết, điều kiện các ngân hàng đưa ra quá khó cho nhiều người lao động. Các chung cư, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp trên địa bàn TPHCM vừa ít, lại ở xa KCX-KCN nên việc lựa chọn gặp nhiều khó khăn.

Trong điều kiện thu nhập chung của lực lượng công nhân hiện nay còn thấp, để thoát khỏi cảnh ở trọ thì sự nỗ lực của mỗi công nhân vẫn chưa đủ, mà đòi hỏi chính quyền TPHCM cũng như người sử dụng lao động phải chú tâm hơn nữa, với những chính sách linh hoạt, cụ thể sát với người lao động hơn.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục