Những vấn đề pháp lý về chuyển giới

Một thực tế trong xã hội hiện nay là có nhiều thanh niên phẫu thuật chuyển giới để được sống đúng với giới tính của mình. Tuy nhiên, nhiều người chuyển giới lại không hiểu rõ về các hậu quả pháp lý kèm theo để cân nhắc, xem xét trước khi quyết định chuyển giới.

Một thực tế trong xã hội hiện nay là có nhiều thanh niên phẫu thuật chuyển giới để được sống đúng với giới tính của mình. Tuy nhiên, nhiều người chuyển giới lại không hiểu rõ về các hậu quả pháp lý kèm theo để cân nhắc, xem xét trước khi quyết định chuyển giới.

Về xác định lại giới tính

Với tinh thần tôn trọng quyền con người, pháp luật Việt Nam có quy định nguyên tắc xác định lại giới tính, bảo đảm cho mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình, tuy nhiên việc xác định lại giới phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác nhận lại giới tính. Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính ngày 5-8-2008 quy định: Việc xác định lại giới tính chỉ áp dụng đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính. Căn cứ vào quy định này, những cá nhân không thuộc trường hợp có khuyết tật bẩm sinh hoặc giới tính chưa được định hình chính xác mà tiến hành phẫu thuật để chuyển sang giới tính khác sẽ không được xác định lại giới. Theo đó, các giấy tờ về nhân thân, hộ tịch của những cá nhân này vẫn giữ nguyên như trước khi chuyển giới.

Về các quyền hôn nhân và gia đình

Theo quy định pháp luật về hôn nhân gia đình hiện hành thì Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng giới. Do đó, trong trường hợp một cá nhân sau khi phẫu thuật chuyển giới thì không được quyền kết hôn với người có giới tính cùng với giới tính trên giấy tờ nhân thân của mình. Liên quan đến vấn đề này, có nhiều quan điểm khác nhau tranh cãi về việc có nên hay không việc thừa nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, như đã nói, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam hiện hành không thừa nhận hôn nhân của những người đồng giới, vì vậy đây là vấn đề quan trọng mà cá nhân chuyển giới cần phải cân nhắc kỹ trước khi chuyển giới. Đối với trường hợp những cá nhân chuyển giới sống chung với người cùng giới với mình, vì không được pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân, do đó, khi họ không còn chung sống, tài sản không được chia đôi như vợ chồng, trong trường hợp này, tài sản của người nào tạo lập thì thuộc về riêng người đó.

Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 về các điều kiện nhận con nuôi, thì người chuyển giới vẫn quyền nhận nuôi con nuôi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, với cái nhìn thiếu thiện cảm từ xã hội, người chuyển giới còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận nuôi con nuôi.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục