Mong chấn chỉnh những bức xúc của dân

Qua Báo SGGP, nhiều bạn đọc đã gửi gắm đến Quốc hội tâm tư nguyện vọng về nhiều vấn đề bức xúc, thiết thân đối với người dân. Ngoài góp ý những nội dung lớn trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến lưu ý cần chấn chỉnh công tác quản lý trong lĩnh vực thuế, ngân hàng và công tác tiếp dân. Báo SGGP trích giới thiệu một số ý kiến.
Mong chấn chỉnh những bức xúc của dân

Qua Báo SGGP, nhiều bạn đọc đã gửi gắm đến Quốc hội tâm tư nguyện vọng về nhiều vấn đề bức xúc, thiết thân đối với người dân. Ngoài góp ý những nội dung lớn trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến lưu ý cần chấn chỉnh công tác quản lý trong lĩnh vực thuế, ngân hàng và công tác tiếp dân. Báo SGGP trích giới thiệu một số ý kiến.

Cử tri quận 4 TPHCM kiến nghị trong buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

* Ông PHẠM ĐỨC PHÚC (Tân Bình, TPHCM): Soi con kiến, để lọt con voi

Khi đọc các thông tin trên báo SGGP về việc một số doanh nghiệp (DN) lớn liên tục báo cáo thuế lỗ, tôi không khỏi bức xúc về công tác quản lý thuế. Với các DN nhỏ, mỗi quý chỉ xuất vài hóa đơn, thế nhưng nếu kê khai chậm một ngày là bị cán bộ thuế hạch sách, đòi phạt. Hóa đơn viết sai một ký tự là bị loại ra, thật mệt mỏi! Vậy mà, các DN quy mô vốn hàng trăm triệu đô la thì lại khai kiểu gì mà lỗ đến âm vốn. Lẽ nào “soi con kiến mà để lọt con voi”?

Dư luận không thể không đặt vấn đề có tiêu cực trong công tác quản lý thuế. Bởi thực tế, những hộ kinh doanh cá thể không cần hiểu biết luật, chỉ cần “biết điều” là được việc. Trong các dịp tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, nhiều chủ DN nhỏ luôn kêu ca, nhưng lại sợ nói rõ ra sẽ bị “đì”. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu, từng xin lỗi DN, nhưng trên thực tế hàng chục DN lớn vi phạm về thuế, bán hàng không xuất hóa đơn, nhưng cơ quan thuế chỉ phụ thuộc vào báo thuế do DN tự tính. Coca Cola nhiều năm báo cáo thuế lỗ, rồi khi Metro Cash and Carry bán đi thì mới hay DN này báo cáo thuế lỗ hơn chục năm qua, không phải nộp đồng thuế nào, đã vậy số lỗ còn âm luôn cả vốn chủ sở hữu. Nếu không chấn chỉnh đội ngũ cán bộ thuế thì tiêu cực vẫn còn, thất thu thuế sẽ còn diễn ra, làm ảnh hưởng đến ngân sách.

* Bà TRỊNH THỊ KIM NGA (quận 8, TPHCM): Đừng đẩy khó cho dân

Khi các ngành tự xây dựng dự thảo luật để trình Quốc hội và sau đó hướng dẫn thi hành luật, ngành nào cũng quy định “được việc” cho mình và đẩy khó về cho dân. Các nghị định, thông tư quy định DN mua bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán qua ngân hàng, thế nhưng, lại không đảm bảo điều kiện phù hợp để DN thực hiện. Bởi vì luật không buộc các ngân hàng phải liên thông với nhau, nên DN có tài khoản ngân hàng này muốn chuyển tiền cho DN khác có tài khoản ở ngân hàng khác thì rất chậm, có khi ngày hôm sau mới đến. Đó là chưa kể, chuyển tiền khác hệ thống còn phải tốn phí khá cao. Thật lạ khi ở thời đại công nghệ thông tin mà một DN phải đăng ký hàng chục tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, chỉ để khi đối tác có tài khoản ngân hàng nào thì chuyển cho cùng hệ thống. Đã vậy, ngành thuế lại quy định DN tạo tài khoản thì phải gửi thông báo đến cơ quan thuế quản lý. Chúng tôi không hiểu mục tiêu quản lý là gì khi ngành thuế có thể trích xuất mã số thuế DN trên hệ thống ngân hàng là ra tất cả số tài khoản mà DN đó đứng tên. Ngoài ra, phí và việc khan hiếm vốn càng gây khó DN. Dù được sử dụng Internet banking nhưng DN phải ra ngân hàng này rút tiền để mang sang ngân hàng kia chuyển cho đỡ tốn phí.

Chính việc không liên thông giữa các ngân hàng đã trì hoãn cả mục tiêu vận động DN nộp thuế điện tử. Hiện tại, chỉ có Ngân hàng BIDV liên kết với cơ quan thuế, nên muốn tham gia nộp thuế điện tử, DN lại phải mở thêm tài khoản ở BIDV mới được. Lãnh đạo luôn nói tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhưng rồi để các ngành tự quy định những điều kiện tiện cho công tác quản lý của mình, đẩy khó cho DN. Do vậy, rất mong Quốc hội quan tâm thay đổi cách xây dựng các văn bản pháp luật.

* Bà NGUYỄN THỊ HỒNG (quận 5, TPHCM): Ngăn tình trạng hách dịch, nhũng nhiễu

Cán bộ UBND cấp phường - xã, công an địa phương, cảnh sát giao thông... là những cán bộ - nhân viên công quyền tiếp xúc với dân nhiều nhất, giải quyết trực tiếp những vấn đề của dân. Thế nhưng, nhiều người dân đang mất dần niềm tin đối với lực lượng này, bởi thái độ hách dịch, nhũng nhiễu dân. Ở nhiều địa phương có tình trạng khi xảy ra chuyện gì mất an ninh trật tự, người dân đến phản ánh hoặc điện thoại cho chính quyền hay công an, thì phải nhiều lần mới có mặt, họ xuống đến nơi sự việc đã xong rồi. Không ít cán bộ phường, rồi đến ban điều hành khu phố, tổ dân phố chỉ lo “làm ăn”, nào là thầu bãi giữ xe, đưa người thân bán lấn chiếm lòng lề đường. Có lần tôi chứng kiến cảnh mấy anh dân phòng, trật tự đô thị phường đi lập lại trật tự lòng lề đường theo kiểu “bắt kẻ này, buông kẻ khác”. Một chiếc xe đậu trên lề đường các anh ập lại đòi lập biên bản, giữ giấy tờ, trong khi sát bên cạnh đó thì siêu thị giữ xe dưới lòng đường, kế bên lề thì quán cà phê buôn bán để ghế không còn lối bộ hành. Hóa ra bãi xe là của vợ công an quận; người bán cà phê là người thân của ban điều hành khu phố… Đấy không phải là trường hợp cá biệt. Do vậy, nếu không chấn chỉnh từ cơ sở, từ những người tiếp xúc trực tiếp với dân thì niềm tin trong dân sẽ bị hao mòn.

HÀN NI ghi

Tin cùng chuyên mục