Muốn thu phí, phải nâng chất máy ATM

Quá tải
Muốn thu phí, phải nâng chất máy ATM

Bài “Rút tiền từ máy ATM, quá khổ!” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 1-3-2013 phản ảnh: Một vài ngày trước giờ G (1-3-2013 - khi bắt đầu thu phí rút tiền từ các máy ATM), nhiều ngân hàng cho máy ATM tạm ngưng hoạt động. Dư luận bất bình cho rằng động thái “đóng băng” ATM của các ngân hàng nhằm ép các chủ thẻ (khách hàng) vào tình cảnh chỉ có thể rút được tiền từ ngày có tính thu phí. Đây là một việc không hay, cần phải tránh lặp lại, nhằm phục vụ tốt nhất cho các chủ thẻ.

Sinh viên Làng đại học Thủ Đức xếp hàng dài dưới trời nắng chờ rút tiền tại máy ATM. Ảnh: Phan Anh

Sinh viên Làng đại học Thủ Đức xếp hàng dài dưới trời nắng chờ rút tiền tại máy ATM. Ảnh: Phan Anh

Quá tải

Hiện nay, số lượng và chất lượng máy ATM chưa đảm bảo. Người rút tiền tại máy ATM nhiều khi gặp phải những rắc rối, phiền toái, như phải xếp hàng chờ lâu vào những giờ và ngày cao điểm; nhiều trường hợp máy xảy ra sự cố kỹ thuật như nghẽn, hết tiền, nuốt thẻ.

Cụ thể trong những ngày trước Tết Quý Tỵ vừa qua, trước các buồng máy ATM tại các khu công nghiệp, làng đại học, người rút tiền phải xếp hàng rồng rắn chờ đợi mất thời gian. Nhiều máy gián đoạn hoạt động, báo lỗi, hết tiền, nghẽn mạch, mất điện…Điện thoại vào đường dây nóng của ngân hàng nhưng không được trả lời, khách hàng phải chạy đôn chạy đáo đến các máy khác, ở các quận - huyện khác, cách xa vài kilômét.

Còn nhớ cách nay vài năm, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng thẻ ATM, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ - công nhân viên và người dân sử dụng thẻ ATM. Đến nay, số máy ATM lắp đặt và số người sử dụng thẻ ATM đã phát triển nhanh, tạo chuyển biến tích cực trong việc mở rộng mạng lưới thanh toán, rút tiền tại máy ATM trong toàn hệ thống.

Tính đến đầu năm 2013, cả nước đã có 40/63 tỉnh - thành sử dụng máy ATM, với trên 14.000 máy ATM và 47 triệu thẻ ATM, tăng gần 5 lần so với năm 2008. Tại TPHCM, các ngân hàng đã lắp đặt thêm nhiều máy ATM để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo cho người dân quen dần việc sử dụng thẻ ATM. Số thẻ phát hành khá nhanh, trong khi số máy lắp đặt chưa đáp ứng kịp, do đó nhiều ngân hàng phải dùng chung máy ATM nên thường xảy ra tình trạng quá tải, nhất là vào các ngày lĩnh lương và dịp lễ tết.

Thực tế những khi máy ATM không hoạt động do nguyên nhân gì, chỉ có các ngân hàng đặt máy mới biết sự thật, còn khách hàng không thể biết được. Đó là điều không thể chấp nhận.

Phải thật sự tiện ích

Từ ngày 1-3-2013, Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tính phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa chính thức có hiệu lực thi hành trong toàn hệ thống ngân hàng. Hiểu một cách đơn giản là chủ thẻ rút tiền tại các máy ATM đều phải chịu một khoản phí nhất định cho giao dịch nối mạng có mức thấp nhất là 0 đồng và mức thu tối đa sẽ tăng dần theo từng năm, từ 1.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng/lần vào năm 2015; giao dịch ngoài mạng tối đa là 3.000 đồng/lần…

Việc thu phí này chính là để góp phần đầu tư bảo dưỡng và phát triển hệ thống ATM, do vậy thu phí phải đi kèm với việc đảm bảo tiện ích cho khách hàng, giao dịch rút tiền ở các máy ATM được liên tục và kịp thời và củng cố sự tin tưởng của khách hàng. Khi chịu phí (trả tiền cho ngân hàng), chủ thẻ ATM có quyền đòi hỏi được phục vụ tốt hơn, chất lượng cao hơn.

Hiện vẫn có những ngân hàng nhỏ chưa áp dụng thu phí rút tiền ATM, nhưng dù có thu phí hay không, các ngân hàng cũng phải nghiêm túc cải tiến, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ ATM. Khi cần phải bảo trì hoặc lắp đặt thêm thiết bị cho buồng ATM, các ngân hàng cần có niêm yết, thông báo trước và thật cụ thể ngày giờ tạm ngưng hoạt động của buồng ATM để khách hàng biết. Có như vậy khách hàng đỡ mất thời gian và tránh lâm vào cảnh phải chạy đôn chạy đáo tìm buồng ATM khác để rút tiền.

Mục đích chính của việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng là dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ. Bởi vậy, song song với việc ban hành quy định về việc thu phí, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM (Thông tư 36). Quan điểm chung là thu phí để nâng cao chất lượng và nâng cao chất lượng thì sẽ được thu phí.

Xuân Miễn

Tin cùng chuyên mục