Hợp tác giáo dục đồng bộ

Trong nhà trường, học sinh đều đã được giáo dục cẩn thận về những phép ứng xử văn hóa, từ việc giữ gìn lòng tự trọng đến việc tôn trọng người khác. Ngoài ra, các em cũng dần có cơ hội tiếp xúc, học hỏi nhiều chuẩn mực trong văn hóa ứng xử ở các nước phát triển. Vì vậy, hầu như học sinh nào cũng biết việc ứng xử có văn hóa là sự thể hiện nhân cách.

Trong nhà trường, học sinh đều đã được giáo dục cẩn thận về những phép ứng xử văn hóa, từ việc giữ gìn lòng tự trọng đến việc tôn trọng người khác. Ngoài ra, các em cũng dần có cơ hội tiếp xúc, học hỏi nhiều chuẩn mực trong văn hóa ứng xử ở các nước phát triển. Vì vậy, hầu như học sinh nào cũng biết việc ứng xử có văn hóa là sự thể hiện nhân cách.
 
Thế nhưng, trong cuộc sống, chính các em lại chứng kiến sự lệch pha giữa lý thuyết và thực tế. Đó là sự thiếu ý thức của một bộ phận người lớn, đôi khi là chính cha mẹ, người thân của các em. Khi ở trường, các em được dạy phải bỏ rác đúng nơi quy định, phải xếp hàng chờ đến lượt mình, nhưng khi đi cùng gia đình, các em lại trực tiếp chứng kiến người lớn vứt rác bừa bãi, chen lấn tranh giành nhau.

Hoặc trong việc giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, nhà trường không chỉ dạy học sinh kiến thức pháp luật mà còn dựng tiểu phẩm, mời chuyên viên báo cáo, phát động Tháng An toàn giao thông, mời cha mẹ học sinh và học sinh ký tên cam kết không vi phạm luật giao thông… Nhưng rồi chính cha mẹ lại cho con em mình điều khiển xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi. Trên đường phố, không hiếm gặp những người chạy xe vượt đèn đỏ, lấn tuyến, leo lề, chạy ngược chiều, không đội nón bảo hiểm…

Cứ mỗi ngày, học sinh đều chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp trong ứng xử cộng đồng, khiến lòng tin của các em về những giá trị tốt đẹp đã được học càng vơi dần. Ngoài ra, việc lan truyền rộng rãi những hành vi thiếu ý thức trên các trang mạng xã hội gần đây ngày càng góp phần làm khủng hoảng niềm tin trong giới trẻ, khiến các em dù ra đường hay lên mạng cũng chỉ thấy cái xấu, vì vậy không xác định được phương hướng tu dưỡng cho bản thân.

Nhìn từ góc độ giáo dục, nhà trường góp một phần đáng kể vào quá trình dạy dỗ, uốn nắn học sinh. Phần còn lại, quan trọng không kém, chính là sự hợp tác giáo dục đồng bộ của gia đình và xã hội. Nơi công cộng có thể chưa có đủ thùng rác, cơ sở hạ tầng giao thông có thể chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, tuy nhiên nếu từng người lớn đều có ý thức ứng xử đúng pháp luật, có văn hóa, thì đó sẽ là những tấm gương sống cho thế hệ trẻ noi theo.

Trong nhà trường, bên cạnh việc đánh giá đạo đức học sinh dựa trên những chuẩn mực về tác phong, nền nếp, kỷ luật…, nên quan tâm tuyên dương, khen thưởng những học sinh có hành động tốt đẹp (trả lại của rơi, giúp bạn vượt khó…). Điều này sẽ giúp các em có cái nhìn sâu sắc và thiết thực hơn về hai mặt tốt - xấu trong ứng xử cộng đồng. Các em sẽ dần hình thành ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tác phong, từng bước tu thân, góp phần lan tỏa văn hóa ứng xử trong xã hội.

ĐỖ THỊ BÍCH DUYÊN (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục