Tai nạn do xe buýt bất cẩn khi vào trạm

Khi đến trạm rước khách, xe buýt phải dừng hẳn để đảm bảo an toàn cho khách lên xuống. Tuy nhiên, do tiết kiệm thời gian nên nhiều tài xế vẫn chạy rà rà thả, đón khách, không đảm bảo an toàn, nên xảy ra nhiều vụ tai nạn cho hành khách. Thế nhưng tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.
Tai nạn do xe buýt bất cẩn khi vào trạm

Khi đến trạm rước khách, xe buýt phải dừng hẳn để đảm bảo an toàn cho khách lên xuống. Tuy nhiên, do tiết kiệm thời gian nên nhiều tài xế vẫn chạy rà rà thả, đón khách, không đảm bảo an toàn, nên xảy ra nhiều vụ tai nạn cho hành khách. Thế nhưng tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Đến trạm, xe buýt vẫn vừa chạy vừa đón khách, dễ gây ra tai nạn.

Đến trạm, xe buýt vẫn vừa chạy vừa đón khách, dễ gây ra tai nạn.

Lơ là, thiếu quan sát

Chiều 28-11, tại Bến xe ngã tư Vũng Tàu (TP Biên Hòa), tài xế xe buýt tuyến 150 đã đóng cửa làm kẹp chân ông Phạm Minh Triết. Chiếc xe còn trớn chạy đã kéo lê ông Triết đi một đoạn. Khi hành khách báo, tài xế hoảng hốt dừng xe, mở cửa làm ông Triết ngã xuống đường và bị bánh sau cán chết. Đó không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó chỉ 3 ngày, chiều 25-11, bà Hồng (ngụ tại Đồng Nai) lúc xuống xe buýt tuyến số 19 cũng bị tài xế đóng cửa làm kẹt bọc hành lý, khi tài xế vội vàng mở cửa đã khiến bà Hồng ngã xuống đường và bị cánh cửa cắt trúng chân đến lòi xương. Chưa hết, ngày 20-11, xe buýt tuyến số 6 cũng cán qua chân bà cụ vừa mới bước xuống xe, làm bàn chân bị giập nát.

Các vụ tai nạn đó đều do sự bất cẩn, thiếu quan sát của tài xế. Theo quy định, hành khách lên xe ở cửa trước, xuống xe ở cửa sau; tiếp viên có nhiệm vụ xé vé và quan sát, giúp hành khách lên xuống trật tự, an toàn. Thế nhưng, chúng tôi đã thử đi nhiều tuyến xe buýt, thường thấy tiếp viên ngồi phía trên nói chuyện với tài xế mà không chú ý quan sát việc hành khách lên xuống xe. Nhiều trường hợp vẫn để hành khách lên, xuống lộn xộn, dẫn đến đóng mở cửa theo quán tính, có thể gây tai nạn. Có nhiều tuyến xe buýt áp dụng mô hình bán vé tự động nên không có tiếp viên, mà tài xế kiêm luôn việc thu tiền, kiểm soát vé. Khi hành khách bước lên, xe chuyển bánh thì hành khách đứng xung quanh cánh cửa để bỏ tiền vào thùng nên đã che gương chiếu hậu, khiến tài xế khuất tầm nhìn, nếu hành khách đưa tiền chẵn thì tài xế rất bận rộn khi phải lo việc thối tiền.

Áp lực công việc cao?

Để kiếm đủ doanh thu, nhiều khi nhà xe trì hoãn ở các trạm đầu, chạy từ từ rước khách để giành thêm lượng khách của xe tuyến khác hoặc xe cùng tuyến chạy lượt kế tiếp, rồi sau đó phải vội vàng phóng nhanh để về bến đúng giờ. Các con đường có nhiều tuyến xe buýt chạy chung đã trở thành “đường đua” giữa các tuyến xe buýt để giành khách. Để cạnh tranh giành khách, nhiều xe chạy nhanh, vượt ẩu, thả và rước hành khách ngay giữa đường và không dừng hẳn xe. “Đường đua” nóng nhất là Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng, có nhiều tuyến xe buýt (tuyến số 8, 51, 55, 64, 104) chạy xuyên suốt. Chỉ cần chạy sau 2 xe là coi như bị lấy hết khách, nên các xe buýt chạy phía sau phải đua thật nhanh, vượt qua “đối thủ” phía trước. Các xe chạy trước thì cố gắng ép, cắt đuôi xe sau để giành hết khách. Tương tự, còn nhiều “đường đua” như Cách Mạng Tháng Tám (tuyến số 30, 65, 13), Lý Thường Kiệt (tuyến số 08, 50, 66, 94)... Thậm chí, các xe cùng tuyến cũng chạy đua nhau để giành khách (như tuyến 24, 18, 104, 13...).

Một tài xế với kinh nghiệm hơn 10 năm chạy xe buýt giãi bày: “Khi xe chạy qua trạm mà có khách vẫy tay, nếu tài xế dừng giữa đường, mở cửa thì có thể nguy hiểm cho khách và xảy ra tai nạn giao thông. Nhưng bỏ khách thì có thể bị khách gọi điện thoại lên tổng đài báo, sẽ bị phạt. Nhiều tuyến xe giao luôn cho tài xế việc soát vé, khiến tài xế mất nhiều thời gian thối tiền cho khách, nên sau đó lại phải tranh thủ chạy nhanh về bến đúng thời gian để không bị phạt. Một áp lực nữa là phải ráng kiếm đủ doanh thu để không phải bỏ tiền túi ra bù. Thế nên đã dẫn đến việc phải cạnh tranh giành khách, chạy ẩu, gây tai nạn”.

Nhìn nhận tình trạng có một số xe buýt gây tai nạn cho hành khách, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, cho biết: “Trung tâm đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải kiểm tra, xử lý và báo cáo hướng xử lý đối với những trường hợp xe buýt gây tai nạn, đình chỉ vô thời hạn đối với tài xế và tạm ngưng công tác đối với tiếp viên. Việc tài xế đổ nguyên do áp lực công việc là không đúng, vì doanh nghiệp đã đề xuất thời gian hợp lý đối với những lộ trình có ùn tắc giao thông, ước lượng hành khách để đưa ra chỉ tiêu. Tài xế bất cẩn đóng mở cửa, chạy ẩu, tranh giành khách… là do thiếu ý thức trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý xe buýt thông qua hệ thống giám sát hành trình để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, trì hoãn để rước khách. Ngoài ra, hàng tháng, các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình an toàn giao thông để có biện pháp xử lý nghiêm và chấn chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm giao thông.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục