Quản lý chặt các nhà giữ trẻ tư nhân

Qua việc liên tiếp phát hiện các vụ bạo hành trẻ em tại một số nhà giữ trẻ tư nhân tại TPHCM, nhiều bạn đọc bức xúc kiến nghị: Bên cạnh việc đầu tư phát triển các trường mầm non công lập, TP cần quản lý chặt các nhà giữ trẻ tư nhân.
Quản lý chặt các nhà giữ trẻ tư nhân

Qua việc liên tiếp phát hiện các vụ bạo hành trẻ em tại một số nhà giữ trẻ tư nhân tại TPHCM, nhiều bạn đọc bức xúc kiến nghị: Bên cạnh việc đầu tư phát triển các trường mầm non công lập, TP cần quản lý chặt các nhà giữ trẻ tư nhân.

Hiện nay tại TPHCM chỉ có Công ty Pou Yuen quan tâm đầu tư trường mầm non dành cho con công nhân của công ty. Ảnh: THANH HẢI

Hiện nay tại TPHCM chỉ có Công ty Pou Yuen quan tâm đầu tư trường mầm non dành cho con công nhân của công ty. Ảnh: THANH HẢI

  • Chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm

Ai cũng rất phẫn nộ khi xem các đoạn video clip về hành vi của hai bảo mẫu nhà giữ trẻ Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM) hành hạ trẻ em. Nhà giữ trẻ được phụ huynh tin tưởng giao phó việc chăm sóc con mình, thế nhưng thay vì chăm sóc các bé thì họ lại hành hung, đày đọa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe của bé. Theo kết quả điều tra ban đầu, nhà giữ trẻ này bắt đầu hoạt động không phép từ tháng 8-2012. Không thể không đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương đâu, sao lại không hay biết có một nhà giữ trẻ không phép hoạt động trên địa bàn hơn cả năm nay? Mãi đến giữa tháng 11-2013, địa phương mới kiểm tra lập biên bản, nhưng cũng không đình chỉ hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước thừa nhận chưa thể thống kê số nhóm giữ trẻ tự phát trên địa bàn phường, vì có những nhóm chỉ giữ vài ba bé và khi hoạt động không báo cáo với phường. Đây là câu trả lời thiếu trách nhiệm, vì một địa bàn với hệ thống tổ dân phố, cảnh sát khu vực, hoàn toàn có thể thống kê và kiểm soát được hoạt động này. Trong khi đó, đại diện Phòng Giáo dục quận Thủ Đức cho biết hiện phòng chỉ mới có thể quản lý những nhóm giữ trẻ gia đình có cấp phép, còn những nhóm giữ trẻ tự phát thuộc phạm vi quản lý của phường, chỉ bao giờ phường giới thiệu để cấp phép thì phòng mới kiểm tra về mặt chuyên môn. Như vậy, trong công tác quản lý các nhà giữ trẻ đã có sự chồng chéo và đang có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra hậu quả. Cần có những cá nhân, cơ quan tại quận Thủ Đức đứng ra chịu nhiệm khi để xảy ra hàng loạt sự việc bạo hành trẻ em ở địa bàn mình quản lý.

Hiện TPHCM có khoảng 1.200 nhóm giữ trẻ gia đình. Không thể phủ nhận vai trò của các nhóm giữ trẻ gia đình khi nhu cầu này ngày càng tăng do dân số TPHCM ngày một đông. Việc quan trọng là chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể phải rà soát các nhóm giữ trẻ về mặt giấy phép hành nghề, các tiêu chuẩn đảm bảo việc chăm sóc trẻ, không để tiếp tục xảy ra những vụ việc đau lòng.

QUANG TUẤN (quận Tân Bình, TPHCM)

  • Xử lý mạnh tay

Do còn nhiều khó khăn, bất cập nên hiện nay hệ thống các trường mầm non công lập và tư thục trong cả nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Vì vậy, những nhà giữ trẻ tư nhân ra đời ngày càng nhiều. Điều kiện vật chất phục vụ nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của các cơ sở tư nhân thua kém rất nhiều so với các cơ sở công lập và tư thục, thậm chí nhiều cơ sở không đủ điều kiện tối thiểu. Nhưng vẫn có rất nhiều gia đình gửi trẻ tại đây, hầu hết là các gia đình có thu nhập thấp. Gửi con tại các cơ sở tư nhân thường có mức phí thấp hơn, thời gian trông giữ trẻ có thể thỏa thuận phù hợp với điều kiện công việc, thời gian của mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc quản lý của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Việc xã hội hóa giáo dục mầm non là cần thiết, nhưng cần có chiều sâu và các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ. Mỗi địa phương cần rà soát nắm chắc các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân; trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy trẻ cho các bảo mẫu tư nhân; định kỳ và đột xuất kiểm tra cơ sở vật chất, công tác nuôi dạy trẻ của các cơ sở. Ngành chức năng phối hợp với chính quyền kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm và đình chỉ cơ sở không đủ điều kiện tối thiểu về không gian, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, điều kiện hành nghề của bảo mẫu. Mỗi gia đình cần tìm hiểu, lựa chọn thấu đáo trước khi gửi con tại các cơ sở trông giữ trẻ tư nhân để không phải “giao trứng cho ác”. Nên ký hợp đồng với các điều khoản cụ thể để quy rõ trách nhiệm đối với các cơ sở trong việc nhận nuôi dạy con em mình. Các gia đình cũng cần đột xuất kiểm tra việc nuôi dạy con mình của các cơ sở; sớm phát hiện, tìm hiểu nguyên nhân những biểu hiện bất thường về thân thể, sức khỏe, tâm lý của trẻ để ngăn chặn, xử lý sớm những hành vi bạo hành trẻ em. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kiên quyết điều tra, xác minh, kết luận chính xác và xét xử nghiêm các cơ sở và những bảo mẫu thiếu trách nhiệm, vô lương tâm. Về lâu dài, chính quyền các cấp cần có quy hoạch cụ thể phát triển giáo dục mầm non tại mỗi địa phương đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu, cụm công nghiệp có đông công nhân trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu gửi trẻ cao nhưng thu nhập thấp.

DUY HOÀNG (phường 9, quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục