Kiểm tra mà “kèn trống inh ỏi”

Theo tin tức báo chí, sáng 5-1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm đến một cơ sở sản xuất thực phẩm lớn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tiếp đó, hai bộ trưởng cũng đã kiểm tra thực phẩm, bánh kẹo ở chợ đầu mối Đồng Xuân và một số cửa hàng giò chả trên phố Hàng Bông (Hà Nội). Kết quả kiểm tra mẫu tại chỗ cho thấy chưa phát hiện sai phạm nào.

Theo tin tức báo chí, sáng 5-1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm đến một cơ sở sản xuất thực phẩm lớn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tiếp đó, hai bộ trưởng cũng đã kiểm tra thực phẩm, bánh kẹo ở chợ đầu mối Đồng Xuân và một số cửa hàng giò chả trên phố Hàng Bông (Hà Nội). Kết quả kiểm tra mẫu tại chỗ cho thấy chưa phát hiện sai phạm nào.

Quả là đáng mừng khi lãnh đạo các bộ có chức năng quản lý liên quan đã rất quan tâm an toàn vệ sinh thực phẩm và trực tiếp đi thị sát như vậy. Tuy nhiên, người tiêu dùng như chúng tôi tự đặt câu hỏi: Liệu thực tế an toàn vệ sinh thực phẩm có luôn “khả quan” như vậy hay chỉ đạt chất lượng trong ngày kiểm tra?

Là công nhân đang làm việc tại một công ty ở quận Bình Tân (TPHCM), tôi đã quá quen với cái việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như thế này. Cứ hôm nào bên ngành y tế xuống kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thì hôm đó công nhân chúng tôi được dùng bữa ăn hợp vệ sinh, ngon miệng với thịt, cá, rau, canh… đầy đủ. Nhà ăn rất sạch sẽ, tươm tất, bếp được lau chùi bóng loáng, thợ nấu và nhân viên bưng bê mang tạp dề rất gọn gàng. Thực phẩm được đặt ngay ngắn, ngăn nắp trên các kệ bếp.

Còn thường nhật thì khác xa, bữa cơm công nhân chúng tôi luôn thiếu chất, thậm chí an toàn vệ sinh thực phẩm quá tệ hại. Chỉ cần bước xuống nhà bếp thấy thịt cá vứt bừa bãi trên nền nhà một cách mất vệ sinh thì không ai còn muốn dùng bữa cơm trưa cả.

Cũng có những khi ngành y tế xuống kiểm tra đột xuất, nhưng mọi chuyện cũng được diễn ra đúng “kịch bản”: đẹp, vệ sinh, ngon miệng. Điều đó đã làm cho công nhân chúng tôi thắc mắc: Tại sao ngành y tế kiểm tra đột xuất mà phía công ty vẫn biết trước? Phải chăng có cá nhân tiêu cực nào đó từ phía ngành y tế thông báo cho công ty biết trước để chuẩn bị?

Thực tế cho thấy việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành y tế trong nhiều năm qua quá nặng về hình thức, nên chuyện công nhân ăn tại xí nghiệp bị ngộ độc thực phẩm và chuyện thực phẩm bẩn bán nhan nhản ở các chợ vẫn diễn ra. Một khi đã kiểm tra đột xuất thì thông tin phải được giữ kín bí mật và cần xử lý nghiêm khắc những cá nhân trong ngành tiết lộ thông tin cho các công ty, cơ sở sản xuất thực phẩm. Có như vậy thực phẩm bẩn mới được đẩy lùi. Nếu kiểm tra mà “kèn trống inh ỏi” thì đến bao giờ mới phát hiện ra các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm? 

ĐẶNG TRUNG THÀNH
(Bình Chánh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục