Quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo - quản lý các tổ chức thuộc bộ hoặc ngang bộ (7 chức danh từ phó trưởng phòng đến thứ trưởng). Thực tế đang đòi hỏi các tiêu chuẩn chức danh này cần được lượng hóa một cách cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng chung chung, hiểu thế nào cũng được.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo - quản lý các tổ chức thuộc bộ hoặc ngang bộ (7 chức danh từ phó trưởng phòng đến thứ trưởng). Thực tế đang đòi hỏi các tiêu chuẩn chức danh này cần được lượng hóa một cách cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng chung chung, hiểu thế nào cũng được.

Việc quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo - quản lý là hết sức cần thiết. Bởi đây là điều kiện cần để tạo ra một cơ chế minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng tiêu cực diễn ra trong quá trình tuyển lựa nhân sự; đồng thời, từng bước hạn chế tình trạng chạy chức, chạy quyền, “ngồi nhầm ghế”… đang gây bức xúc trong dư luận hiện nay.

Lâu nay tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo - quản lý vẫn áp dụng Quyết định 414/TCCP-VC của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) ngày 29-5-1993 về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính. Còn đối với công chức lãnh đạo là giám đốc sở và các chức vụ tương đương thì áp dụng Quyết định 82/2004/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 về tiêu chuẩn giám đốc sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhìn chung, tiêu chuẩn nghiệp vụ không gắn với vị trí công việc mà quy định chung chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự... Trong khi thực tế chuyên viên chính có người là giám đốc, phó giám đốc sở, lại có người là công chức làm nhiệm vụ tham mưu như trưởng phó phòng hoặc không giữ chức vụ gì. Mặt khác, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức hành chính chỉ đề cập đến 3 nội dung, chức trách, hiểu biết và trình độ. Còn các nội dung khác rất quan trọng như phẩm chất cá nhân và kỹ năng lại chưa được đề cập đến. Lại có những điều quy định không còn phù hợp thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh mở cửa hội nhập, quản lý “siêu đô thị” như Hà Nội, TPHCM…

Vì thế, rất cần tiêu chuẩn hóa, phát hiện nhân tài, đào tạo và bồi dưỡng một cách chủ động cơ bản và toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý chủ chốt các cấp. Cần sử dụng và quản lý công chức căn cứ vào hiệu quả công việc thực tế, gắn đào tạo với sử dụng. Nên thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp thừa hành, tăng cường kiểm tra, giám sát, luân chuyển công chức, công khai, minh bạch trong tuyển dụng và đề bạt. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, tiêu cực, tham nhũng.

Tình hình thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bổ trợ (tin học, ngoại ngữ…), cần đặt yêu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý, nhất là quản lý nhà nước. Vì đây là đòi hỏi cấp thiết đối với công chức để họ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác được giao.

Qua nghiên cứu nhu cầu đào tạo công chức, đã xác định 3 nhóm năng lực liên quan: kiến thức và kỹ năng quản lý chung; kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước tại cấp TP; kiến thức và kỹ năng lãnh đạo tại đơn vị và địa phương. Nhóm kiến thức và kỹ năng quản lý chung liên quan tới 4 chức năng cơ bản của công tác quản lý là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn, và kiểm tra giám sát.

Để quản lý toàn diện, ngoài khả năng phân tích và đánh giá để lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quản lý, cần nắm bắt và thấu hiểu chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, và có cả kiến thức về hội nhập, kinh tế quốc tế, marketing… Nhóm kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước tại cấp TP gắn với các nội dung quản lý nhà nước cụ thể tại địa phương và đơn vị, như phân tích và hoạch định chính sách, điều tra, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa bàn, phối hợp công tác theo chiều ngang cũng như chiều dọc, thực thi thừa hành công vụ và tiếp dân, dân vận…

Làm tốt công tác này thì cán bộ, công chức mới thực sự là “công bộc của dân” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Thiết nghĩ, cần lượng hóa các tiêu chuẩn về các kỹ năng cần có của công chức quản lý. Như cán bộ quản lý chung phải có kiến thức và kỹ năng quản lý nguồn nhân lực - quản lý con người; quản lý chiến lược; hệ thống các chỉ số thực thi công tác; quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng tại ngành - địa bàn; quan hệ kinh tế quốc tế; quản lý kế hoạch công tác.

Cán bộ quản lý nhà nước phải có kiến thức và kỹ năng nghiên cứu và phân tích chính sách công; quản lý và phát triển đô thị; quản lý theo kết quả; quản lý phát triển kinh tế - xã hội tại ngành - địa bàn; kỹ năng xây dựng và đề xuất các đề án có sự tham gia; kỹ năng hợp nhất chương trình - kế hoạch công tác của cơ quan - đơn vị với chương trình - kế hoạch; các kỹ thuật điều tra thu thập dữ liệu cơ bản về địa bàn.

Cán bộ lãnh đạo phải có kiến thức và kỹ năng xây dựng chiến lược phát triển địa phương, đơn vị ngành; kỹ năng lãnh đạo và quản lý.

Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn chiến lược quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chịu sự tác động của cạnh tranh toàn cầu, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có khả năng lãnh đạo và quản lý nhằm tạo được sự phát triển bền vững thông qua năng lực phù hợp của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền các cấp và hệ thống chính sách khuyến khích phát huy hiệu quả những năng lực được xây dựng. Bổ nhiệm một người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo - quản lý, thực chất là một biểu hiện của tinh thần trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân.

Do vậy, việc xây dựng và ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước cần hết sức cụ thể, rõ ràng, như vậy sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.


DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục