Thấp thỏm kênh đen

Những dòng kênh “chết”
Thấp thỏm kênh đen

Nước thải từ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là nguyên nhân chính giết chết các dòng kênh. Đến nay, khá nhiều cơ sở gây ô nhiễm đã di dời ra khỏi nội thành nhưng nước kênh vẫn đen, vẫn thối.

Rác nổi lềnh bềnh trên kênh Lò Gốm, phường 5, quận 6, TPHCM. Ảnh: Hải Thanh

Rác nổi lềnh bềnh trên kênh Lò Gốm, phường 5, quận 6, TPHCM. Ảnh: Hải Thanh

Những dòng kênh “chết”

Những năm qua, chính quyền TPHCM quyết liệt thực hiện việc di dời, đóng cửa các cơ sở, nhà máy trong nội thành sản xuất gây ô nhiễm. Đến nay, hầu hết cơ sở gây nhiều ô nhiễm, xả nhiều chất thải độc hại như dệt nhuộm, chế biến cao su không còn trong khu dân cư. Những phố nghề nổi tiếng một thời như dệt nhuộm ở quận Tân Bình, nấu thủy tinh ở quận 11… cũng không còn. Nước, chất thải công nghiệp không qua xử lý là tác nhân gây ra ô nhiễm các dòng kênh, rạch TP đã được giảm đáng kể. Vậy nhưng, chất lượng nước của hầu hết kênh, rạch vẫn chưa được cải thiện. Các con kênh Tham Lương (Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp), Vàm Thuật (quận Gò Vấp, quận 12), rạch Xuyên Tâm, rạch Thị Nghè (quận Bình Thạnh), gần như là những dòng kênh “chết”. Nước kênh chỉ một màu đen đục, nhiều chỗ nước đặc sệt, bốc mùi hôi thối. Những lúc chuyển trời hoặc nước ròng, mùi hôi dưới dòng kênh rạch bốc lên nồng nặc. Tại những con kênh rạch vốn hứng nhiều nước thải từ các cơ sở sản xuất, nhà máy như Tham Lương, hầu như không còn loại tôm cá nào tồn tại.

Anh Nguyễn Văn Sơn ở cạnh cầu Băng Ky trên rạch Xuyên Tâm cho biết, đã chục năm nay, nước rạch Xuyên Tâm chuyển sang màu đen. Con rạch đã biến thành ao tù nên hôi thối và muỗi mòng nhiều vô kể. Những gia đình sống sát rạch thường hay bị sốt xuất huyết, bệnh hô hấp, nhất là trẻ em. Còn người dân sống bên kênh Tham Lương, Vàm Thuật cho biết từ khi nước kênh chuyển sang màu vàng đục, mọi người không dám đặt chân xuống nước, bởi nước kênh bám đến đâu là ngứa lở, nổi mẩn đỏ đến đó. Những lúc triều cường, nước kênh tràn vào vườn lài, vườn hoa mai, nhà vườn xem như mất trắng, bởi khi nước rút, cây cối cũng đã bị thối rễ, khô dần.

Bao giờ kênh xanh?

Thống kê từ các quận, huyện cho thấy, những năm qua đã có hàng ngàn nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải đóng cửa hoặc dời vào khu sản xuất tập trung. Nguồn nước chất thải chưa qua xử lý xả ra kênh rạch giảm nhiều. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cơ sở sản xuất, nhà máy nằm trong khu dân cư, lại có quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm cao, như Nhà máy Chế biến súc sản (quận Bình Thạnh), Nhà máy Chế biến thực phẩm VIFON (Tân Bình), Nhà máy Xi măng Hà Tiên (Thủ Đức)…

Nguồn nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất này là một trong những nguyên nhân làm “chết” các con kênh. Cũng cần nói thêm, nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng chỉ để đối phó, ít vận hành để đỡ tốn kém. Có doanh nghiệp ở quận 12 đầu tư hàng tỷ đồng cho hạng mục xử lý chất thải, nước thải nhưng chỉ cho hoạt động lúc có đoàn kiểm tra, còn sau đó nước thải từ nhà máy chảy thẳng ra kênh.

Hầu hết nước thải sinh hoạt của người dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ đều không qua xử lý mà xả thẳng vào hệ thống cống và sau đó đổ xuống kênh rạch. Hiện nay số lượng hóa phẩm mà người dân sử dụng trong sinh hoạt ngày càng cao, từ nước rửa chén dĩa, lau nhà đến xà bông giặt áo quần, dầu gội đầu… Vì vậy nước thải sinh hoạt càng chứa nhiều hóa chất.

Để hồi sinh các dòng kênh, tạo môi trường sống trong lành, người dân mong chính quyền thành phố cương quyết đưa các nhà máy vẫn còn trong khu dân cư ra ngoài và xử phạt nặng, buộc đóng cửa các đơn vị vi phạm.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục