Dạy trước - học trước: Lỗi đầu thuộc về ai?

Mặc dù ngày 16-5-2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT chấn chỉnh việc dạy thêm - học thêm nhưng trong mùa hè năm nay, nhiều trường phổ thông, nhất là bậc tiểu học vẫn huy động học sinh đến trường học hè.

Mặc dù ngày 16-5-2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT chấn chỉnh việc dạy thêm - học thêm nhưng trong mùa hè năm nay, nhiều trường phổ thông, nhất là bậc tiểu học vẫn huy động học sinh đến trường học hè.

Dạy trước - học trước

Nội dung đáng lưu ý trong Thông tư 17 là không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, hoặc dạy thêm trước nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy. Ưu điểm nổi bật của Thông tư 17 là “cắt” được ý định lách luật trong dạy thêm bậc tiểu học: Đối với học sinh tiểu học, chỉ được phép dạy thêm các môn năng khiếu và kỹ năng sống, không được dạy thêm các môn văn hóa. Thế nhưng tình trạng cố tình vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm vẫn diễn ra vì gốc rễ của vấn đề không được xem xét và giải quyết thấu đáo.

Trước hết, theo chúng tôi, cần gọi đúng thực chất của việc dạy thêm - học thêm hiện nay là dạy trước - học trước, ít nhất là ở bậc tiểu học. Ở bậc tiểu học, học sinh ở trường cả hai buổi, trong đó buổi sáng dành cho việc học chính còn buổi chiều để học các môn năng khiếu và rèn thêm kiến thức đã học ở buổi học chính khóa. Như vậy chính buổi chiều ở trường đã là buổi học thêm rồi. Thế nên có thể gọi việc tổ chức cho học sinh học hè tại trường hoặc học tại nhà thầy cô sau giờ học trong suốt năm học không phải là học thêm mà là học trước. Việc học trước như vậy để lại những hệ quả to lớn xét về mặt sư phạm. Vì đã học trước, biết trước nên khi học lại, các em sẽ không còn hứng thú trong học tập, từ đó không còn xem buổi học chính là quan trọng nữa (bởi chỉ lặp lại điều đã học) mà thay vào đó là xem trọng việc học trước ở nhà thầy cô. Vì dạy thêm là dạy trước nên những em không học thêm sẽ bị thiệt thòi rất lớn vì khi vào học chính thức không thể nào theo kịp các bạn đã học trước. Tỷ lệ các em không học thêm rất ít nên giáo viên sẽ chiều theo số đông và bỏ qua những em này khiến các em sẽ có thành tích học tập không tốt, sợ việc học và nhiều em đã bị phê là “chậm phát triển”.

Tại sao lại phải dạy trước - học trước?

Để trả lời câu hỏi này, không thể không quy vào nội dung chương trình học được Bộ GD-ĐT ban hành. Có lẽ vì chương trình học có quá nhiều nội dung, nhiều khối kiến thức nhằm đào tạo ra con người “phát triển toàn diện” nên trong thời gian học chính khóa cả giáo viên lẫn học sinh đều không thể nuốt trôi, buộc cả giáo viên lẫn học sinh phải dạy trước - học trước mới theo kịp chương trình. Như vậy muốn ngăn dạy trước - học trước, bộ cần phải “tự xử” trước, tức phải xét lại cấu trúc nội dung chương trình học do mình ban hành xem liệu với thời lượng được quy định cho từng bài học, các học sinh - với nhận thức, độ tuổi - có khả năng tiêu hóa hết các nội dung yêu cầu mà không phải tham gia các lớp học thêm, học trước hay không.

Dạy trước - học trước còn có thể xuất phát từ một lý do khác, đó là chuyện giao chỉ tiêu thi đua cho giáo viên, trong các chỉ tiêu đó chắc chắn là có chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh giỏi, xuất sắc, học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, cấp TP, cấp quốc gia. Các chỉ tiêu ấy không phải là vô thưởng vô phạt mà nó tác động trực tiếp đến thu nhập của giáo viên, do vậy, chừng nào bộ chưa chắc chắn được các giáo viên không bị áp lực, thu nhập của giáo viên không còn bị chi phối bởi các chỉ tiêu ấy, chừng ấy hiện tượng dạy trước - học trước chưa thể bị loại trừ. Khi nói đến dạy thêm - học thêm, không thể không nói đến thu nhập hiện nay của giáo viên. Trong tình hình giá cả tăng liên tục như hiện nay, với thu nhập chính của mình, không ít giáo viên gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội. Do vậy, khi Bộ GD-ĐT chưa thực hiện được lời hứa giáo viên sống được bằng lương lúc đó sẽ vẫn còn dạy thêm, bởi đây là một nguồn tài chính quan trọng cho cuộc sống của phần lớn giáo viên, ít nhất là ở các đô thị lớn.

Cuối cùng là về phía phụ huynh. Có 3 lý do khiến phụ huynh cho con học thêm, học trước. Thứ nhất là vì lo con em mình không thể theo kịp bạn, nên buộc phải cho con học hè tại trường hoặc đến nhà thầy cô để học trước. Thứ hai là phụ huynh không thể dành thời gian cho con cái nên họ xem việc gửi con cho giáo viên học thêm, học trước là giải pháp an toàn. Thứ ba là lo con mình bị thầy cô phân biệt đối xử vì không chịu học thêm. Trong những nguyên nhân kể trên, phần nguyên nhân chủ yếu nhất không xuất phát từ giáo viên hay phụ huynh mà lại xuất phát từ chính cơ quan đang muốn quản lý hiện tượng dạy thêm - học thêm hiện nay. Đó là việc dạy thêm không còn mang ý nghĩa là bồi dưỡng, đào sâu thêm kiến thức mà thực chất là để “chạy”: “chạy” cho kịp chương trình, “chạy” cho đủ chỉ tiêu, “chạy” để kiếm sống và chạy để con cái không bị phê là chậm phát triển.

Lê Minh Tiến

Tin cùng chuyên mục