Mới đây, tại buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT TPHCM với UBND huyện Bình Chánh về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non trên địa bàn, một phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã nhận định: “Không đâu chăm lo mầm non tốt như ở nước ta!”. Lời phát biểu khiến nhiều người có mặt ở hội trường hôm đó không khỏi ngỡ ngàng.
Cũng theo vị này, ở các nước phát triển, không có trường mầm non công lập nhận giữ trẻ em dưới 3 tuổi, trong khi nếu gửi ở trường tư thục giá rất cao.
Xét tình hình thực tế của nước ta, lời nhận xét trên không sai vì vài năm trở lại đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ cho bậc mầm non. Từ việc quy định tổng số giờ dạy của giáo viên mầm non 6 giờ/ngày, một năm không dạy quá 200 giờ phụ trội, đến việc trích một phần ngân sách hỗ trợ bữa ăn cho trẻ mầm non ở vùng cao. Và gần đây nhất, công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp giữ trẻ cho con em công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng được nhiều thành phố quan tâm. Chính sách phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đã được hầu hết địa phương trên cả nước hoàn thành. Tỷ lệ trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng đang ngày càng suy giảm, thay vào đó chương trình học không ngừng cải tiến theo hướng phát triển sở trường, năng khiếu của từng em. Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu ngành giáo dục luôn khẳng định vai trò quan trọng của bậc học này, giáo dục con người có chăm lo tốt từ gốc thì mới phát triển vững mạnh ở các bậc học tiếp theo.
Song, bên cạnh những tín hiệu lạc quan đó vẫn còn không ít nỗi lo. Cách đây chưa lâu, dư luận từng hết sức bàng hoàng trước vụ bạo hành trẻ mầm non ở nhóm trẻ tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức). Đáng kể hơn là hàng loạt cái chết thương tâm của những đứa trẻ tại các nhóm trẻ gia đình, trường mầm non không phép chỉ vì ba mẹ chúng nghèo, không chạy được một suất vào trường công lập. Trăm ngàn đứa trẻ sinh ra trong những gia đình công nhân phải vui chơi trong những ngôi trường là những căn nhà cấp 4 chật chội, thiếu vắng sân chơi, bữa ăn chan đầy nước mắt, chưa từng biết đến tình yêu thương và sự dạy dỗ đúng nghĩa của cái gọi là “giáo dục”. Riêng đối với trẻ ở vùng cao, báo chí đã phản ảnh rất nhiều về những chiếc cặp lồng cơm của các bé đến lớp chỉ có mì gói, cơm trắng, ngay cả một lát thịt mỏng cũng được xem là món ăn xa xỉ. Vào những ngày đói giáp hạt, trẻ phải độn thêm sắn vào cơm, run rẩy vì đói ăn, thiếu mặc. Với rất nhiều bất cập như thế, lẽ nào giáo dục mầm non nước ta đã được xem tốt nhất, nhì thế giới?
Đứng hàng thứ mấy trên thế giới không quan trọng bằng việc có được niềm tin nơi người học. Tiếc là có lẽ còn rất lâu nữa Việt Nam chúng ta mới làm được điều ấy!
THANH THU