Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp (DN) và phương thức tiếp cận thị trường mới.
Nhìn thấy tiềm năng nhưng chưa tận dụng
Bằng việc ban hành Nghị quyết 36A về Chính phủ điện tử, Chỉ thị 16 về phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Quyết định 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), và hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, cải cách thủ tục hành chính, tập trung cắt giảm chi phí cho DN trong năm 2017... đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ trong việc nhận biết cơ hội, giá trị và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, tạo tiền đề nắm bắt CMCN 4.0; đồng thời thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ đi sâu sát và lắng nghe tâm tư của DN để chuyển đổi thành các hành động cụ thể.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa có chiến lược chuyển đổi số quốc gia nên các chính sách triển khai còn thiếu vắng hoặc không đồng nhất với chủ trương lớn. Cụ thể, DN CNTT vẫn gặp sự phân biệt giữa DNNN và tư ngân tại Nghị quyết 36A/NQ-CP; gặp khó khăn về quy trình, thủ tục và cách thức định giá sản phẩm CNTT tại Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; gặp rào cản về đầu tư do quy định về phí viễn thông công ích tại Thông tư 57/2016/TT-BTC.
Trong khi đó, các DN ngành CNTT cần sự đảm bảo, bình đẳng các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách, thu hút nguồn lực khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế số, từ đây mới ban hành các chính sách, quy định pháp lý để cấm hay hạn chế sử dụng tiền mặt trong hoạt động của một số ngành; chấp nhận hợp đồng điện tử và chữ ký số; sử dụng chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích DN đầu tư tăng cường số hóa, tin học hóa trong hoạt động.
Hiện nay với các DN lĩnh vực CNTT chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế số. Các DN khởi nghiệp (startup) công nghệ tuy có chủ trương mạnh mẽ để tạo điều kiện phát triển, nhưng khung pháp lý chưa hoàn thiện để tạo thuận lợi cho hoạt động.
Trong đó, vấn đề thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo từ ứng dụng CNTT đang gặp nhiều khó khăn, làm lỡ cơ hội kinh doanh của nhiều DN. Các quy định pháp lý về hướng dẫn các nhà đầu tư rót tiền vào và rút vốn ra khỏi nhóm DN khởi nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch, khiến hiện tượng “chảy máu” startup về hướng các quốc gia lân cận ngày càng nghiêm trọng.
Các cấp quản lý và triển khai còn thiếu kỹ năng về công nghệ trong phát triển thành phố/đô thị thông minh, nên việc lựa chọn công nghệ còn manh mún và không đảm bảo sự đồng bộ cần thiết. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách chưa khuyến khích, tận dụng hết nguồn lực từ nhóm khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết bài toán phát triển này.
Do đó, cần có những cơ chế rõ ràng để khuyến khích startup tham gia các chương trình mua sắm công, tiếp cận các nguồn thông tin về các chương trình phát triển của Chính phủ. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin - Truyền thông làm đầu mối, phối hợp với một số bộ và khu vực tư nhân ban hành tiêu chuẩn cho thành phố/đô thị thông minh để các địa phương nghiên cứu, áp dụng đồng thời.
Áp dụng nửa vời
Giải pháp tài chính cho phát triển thành phố/đô thị thông minh cần được xây dựng cụ thể với tầm nhìn trung và dài hạn, trước khi quyết định các hạng mục hạ tầng công nghệ giúp quá trình đầu tư không gián đoạn. Một trong các biện pháp khu vực tư nhân đề xuất Chính phủ xem xét, là thay vì mối quan hệ 2 bên chính quyền địa phương - công ty công nghệ (thông qua hình thức mua sắm hay thuê sản phẩm dịch vụ đều đang rất khó khăn trong triển khai), có thể hình thành mối quan hệ 3 bên chính quyền địa phương - công ty tài chính - công ty công nghệ.
Theo đó, các công ty tài chính sẽ là đơn vị đi trước, lên giải pháp tài chính và tổ chức triển khai hiệu quả bài toán tài chính với DN công nghệ và DN đầu tư khác đi kèm dựa trên đặt hàng công nghệ của các địa phương.
Môi trường chính sách và khung pháp lý hiện hành còn nhiều điểm gây khó khăn cho DN mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn chính sách thuế với DN trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ số tại Việt Nam đang có bất cập.
Trong khi các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới như: Google, Facebook, Grab... chỉ phải trả thuế nhà thầu là 5%, thì DN Việt Nam cung cấp dịch vụ tương tự không những phải trả thuế giá trị gia tăng, thuế người dùng mà còn phải trả 20% thuế thu nhập DN. Điều này dẫn đến tình trạng DN Việt mở công ty ở ngoài Việt Nam để tối ưu thuế.
Vấn đề kê khai và nộp thuế thu nhập bản quyền với các nội dung số đang chưa hợp lý về quy định. Luật Thuế thu nhập cá nhân và văn bản hướng dẫn thi hành mang nặng tính giấy tờ, thủ tục nên khi áp dụng vào nội dung số không khả thi, khiến cơ quan thuế địa phương lúng túng và quy chụp theo quan điểm tận thu ở mức thuế khác cao hơn.
Từ đó nhà sáng tạo nội dung số không biết quy trình thủ tục kê khai, nộp thuế, mức thuế suất. Thực tế cho thấy nội dung số xuất hiện với số lượng dày đặc hàng ngày, hình thức linh hoạt, đến từ hàng triệu cá nhân tham gia môi trường mạng (nhiều khi chỉ là đoạn clip, bức ảnh số...), trong khi các thủ tục về sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền nội dung theo cách truyền thống không phù hợp để khuyến khích các cá nhân tham gia sáng tạo nội dung số.
Quá trình hình thành nền kinh tế số cũng như phát triển các thành phố/đô thị thông minh ở Việt Nam khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng kèm theo đó lại tồn tại nhiều thách thức, chưa hội tụ các điều kiện thuận lợi cần thiết. Bước sang năm 2018, DN số, DN đổi mới sáng tạo và cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ tiếp tục phát huy tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn lớn để thúc đẩy thật sự nền kinh tế.