Với gia đình và những con mắt chuyên môn, bức tranh lụa mà Chọn đưa ra là giả chữ ký của Vũ Giáng Hương, nói cách khác, họ đã “ép” cố họa sĩ này tiếp tục vẽ tranh.
Xét về mặt trình độ thể hiện, rõ ràng họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông và sinh viên Bùi Thị Hằng trong “vụ án” bức tranh lụa được cho là của Vũ Giáng Hương không có nhiều chênh lệch, nên cả hai bức đều đạt đến những giá trị biểu cảm riêng. Nói cách khác, đánh lừa được người xem. Lịch sử hội họa trước đây cũng tương tự như vậy, những họa sĩ và sinh viên mà bảo tàng chọn chép tranh đều có trình độ kỹ thuật giỏi, nên khi tác phẩm chép ra cũng có biểu cảm nhất định.
Họa sĩ Ngô Minh Cầu - một trong vài ông trùm chép tranh lụa cho bảo tàng - kể rằng, ông chép một bức của Nguyễn Phan Chánh, khi mang đến cho danh họa này thẩm định lại trước khi gửi ngoại giao, ông Chánh cứ tưởng đó là tranh gốc của mình. Cho nên, việc các trường mỹ thuật ngày nay vẫn còn cho phép sinh viên dễ dàng chuyển chất liệu các tác phẩm sẵn có cũng dễ “lót đường” cho những thói quen xấu về sau này, trong đó có ý thức bản quyền. Giả dụ, Bùi Thị Hằng chuyển thể chính tranh của Vũ Giáng Hương, rồi Chọn lại đấu giá thành công, mà dư luận không phát hiện, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Một con đường để tranh nhái - tranh giả phổ biến nữa, đó chính là “đòn hồi mã thương” từ chính các sản phẩm ngoại giao thời trước 1991. Thử hỏi, thời đó phần lớn các danh họa còn sống, nghĩa là tranh chép - tranh nhái được làm ra “ngay trước mắt họ”, với vật liệu đồng đại, thì ngày nay, xét về lịch đại, sao mà phân biệt cho được, dù có dùng đến máy móc. Những nhà ngoại giao và Việt kiều thời đó sở hữu tranh Việt (trong đó có nhiều tranh chép) như là một kỷ niệm riêng. Giờ con cháu họ bán lại như một món hàng độc bản, với quá trình gìn giữ liên tục, minh bạch cả mấy chục năm, nay chứng minh là giả rất khó khăn.
Cuối cùng, khi Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam, tranh Việt có chừng 10 năm nở rộ trên thị trường quốc tế (1994 - 2005), thì trong nước đã xuất hiện khá nhiều “công xưởng” làm giả - làm nhái để cung ứng. Nhiều cuộc mua bán trong giai đoạn này đã bắt đầu dùng đến giấy xác nhận, đến hợp đồng. Giờ những bức ấy quay trở lại thị trường, quay về Việt Nam, xác định thật giả càng nhiêu khê.