Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội bằng văn bản, từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ đã tiến hành thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với tổng số tiền xử phạt là 490 triệu đồng.
Trong năm 2016 và 2017, Bộ đã tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 5 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 là gần 4 tỷ đồng.
Bộ cũng cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh hoạt động chưa đúng với quy định của pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các sai phạm của doanh nghiệp về việc thu phí đối với người lao động vượt quá mức quy định, nhiều nhất là thị trường Đài Loan.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ). Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được Bộ thẩm định cũng đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ này, người lao động nên thường xuyên cập nhật, tham khảo để tránh bị thiệt thòi. Chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất,...) mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến 29-5-2018 có 328 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Các doanh nghiệp phần lớn có trụ sở chính tại Hà Nội (chiếm khoảng 60%), tại TPHCM (chiếm khoảng 20%) và 20% là doanh nghiệp có trụ sở chính tại các địa phương khác.
Vẫn theo tài liệu này, năm 2017 cả nước đưa đi được gần 135 nghìn lao động (trong đó lao động nữ chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54,5 nghìn lao động.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu