Người phát ngôn cảnh sát Israel, ông Micky Rosenfeld xác nhận hàng trăm cảnh sát đã được điều đến khu vực bên trong và xung quanh Thành cổ Jerusalem. Tình hình hiện vẫn đang khá yên tĩnh tại Thành cổ Jerusalem, nơi có khu đền thờ Al-Aqsa - địa điểm linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã nổ ra tại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza sau khi nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas đưa ra lời kêu gọi biểu tình rầm rộ vào ngày thứ Sáu với tên gọi "ngày thịnh nộ" 8-12.
Biểu tình tại Indonesia và Malaysia phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ
Theo hãng tin Reuters của Anh, hàng nghìn người phản đối, trong đó hầu hết là người Hồi giáo tại Indonesia và Malaysia đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở các quốc gia này để lên án quyết định của Washington công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Các cuộc biểu tình tại hai quốc gia Đông Nam Á này đã góp thêm tiếng nói phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm chỉ trích bước đi mới nhất này của Tổng thống Donald Trump.
* Tại Malaysia, các lãnh đạo đảng cầm quyền Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã Lai (UMNO) và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) - đại diện cho đa số người Hồi giáo tại Malaysia, đã dẫn đầu cuộc biểu tình và những đại diện của nhóm Hamas cũng thể hiện nguyện vọng được cùng tham gia. Những người biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu phản đối nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump trước Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia ở thủ đô Kuala Lumpur.
Cảnh sát được triển khai tại Kuala Lumpur, Malaysia
* Tại Indonesia, hàng trăm người đã tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Jakarta, thành phố có đông người Hồi giáo nhất thế giới.
Tại đây, những người phản đối đeo khăn và vẫy cờ Palestine. Cảnh sát Indonesia đã phải cử thêm nhân viên và xe tuần tra để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ trước khoảng 500-1.000 người biểu tình.
Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta cũng đưa ra lời cảnh báo đối với công dân Mỹ tại đây cần tránh những khu vực có biểu tình và cũng thông báo lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, dừng mọi dịch vụ trong ngày 8-12.
Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel-Palestine và trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình bày tỏ sự ủng hộ đối với Palestine. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo trước đó kêu gọi Mỹ cần xem xét lại quyết định này và đã chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao nước này mời Đại sứ Mỹ tại Indonesia tới giải thích về vấn đề này.
Quy chế của thành phố Jerusalem là vấn đề khó khăn nhất cản trờ tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Khu vực phía Đông thành phố này trước đây từng bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967 và đã được sáp nhập vào Israel mặc dù không được quốc tế công nhận. Phía Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.
Tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn người ủng hộ Palestine đã tuần hành thể hiện sự phản đối quyết định trên của Mỹ. Cuộc biểu tình diễn ra sau các buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Ottoman Fatih ở trung tâm Istanbul. Ngoài ra, một số cuộc biểu tình khác cũng đã được lên kế hoạch tại một số nơi ở Istanbul và trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc biểu tình cũng thu hút sự tham gia của hàng trăm công dân Iran.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng đã diễn ra tại Bangladesh và Ấn Độ.
Tại thủ đô Dhaka, khoảng 3.000 người phản đối đã tập trung trước nhà thời Hồi giáo chính để biểu tình.
Trong khi đó, tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, một số nhóm nhỏ người phản đối cũng tụ tập biểu tình tại Srinagar - thủ phủ của khu vực nơi người Hồi giáo chiếm đa số này.