Nhiệt điện gây tổn hại môi trường

Các cơ quan chuyên môn trong nước đã nghiên cứu và đưa ra nhiều cảnh báo về khả năng phát thải khí nhà kính rất cao từ các nhà máy nhiệt điện. Việt Nam đã tham gia công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu cắt giảm khí nhà kính và giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20C trong thập kỷ tới. Vì thế, những vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện cần phải được bàn thảo kỹ hơn.

Theo phân tích và đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong quá trình xây dựng lẫn vận hành, các nhà máy nhiệt điện đều gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường.  

Gia tăng nguy cơ mưa axít

Trong quá trình vận hành, các nhà máy nhiệt điện sản sinh khí thải lò hơi, khí thải từ các phương tiện vận chuyển, ô nhiễm không khí từ quá trình bốc xếp nguyên vật liệu và từ các nguồn khác. Khí thải của nhà máy nhiệt điện có chứa các chất ô nhiễm có nồng độ cao như bụi (có thể gây kích thích hô hấp, xơ hóa phổi, ung thư phổi, tổn thương da, giác mạc mắt, bệnh ở đường tiêu hóa), SO2 (có thể nhiễm độc qua da, giảm dự trữ lượng kiềm trong máu; tạo mưa axít, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thảm thực vật và cây trồng; tăng cường quá trình ăn mòn kim loại, phá hủy vật liệu bê tông và các công trình nhà cửa; ảnh hưởng xấu đến khí hậu, hệ sinh thái và tầng ôzôn), CO (làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu đến các tổ chức, tế bào do CO kết hợp với hemoglobin và biến thành cacboxyhemoglobin), CO2 (gây rối loạn hô hấp phổi, hiệu ứng nhà kính, tác hại đến hệ sinh thái), tổng hydrocarbon (có thể gây nhiễm độc cấp tính như suy nhược, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn giác quan và có khi gây tử vong)… Qua đó cho thấy, việc phát tán khí thải sẽ góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực dự án, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hệ sinh thái.

TPHCM lo ngại việc xây dựng nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Long An sẽ ảnh hưởng đến “lá phổi” Cần Giờ

Tiếng ồn và độ rung cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí khá nghiêm trọng, trước hết ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trực tiếp, sau đó tới khu vực lân cận. Theo cảnh báo của Tổng cục Môi trường, tiếng ồn làm giảm năng suất lao động, giảm thính lực, dẫn tới bệnh điếc nghề nghiệp. Độ rung ảnh hưởng quan trọng tới năng lực và độ chính xác trong tác nghiệp lao động, giảm thị lực và thính giác, dễ gây ra sự cố tai nạn lao động. Trong quá trình hoạt động của nhà máy nhiệt điện, tiếng ồn, rung động phát sinh từ quá trình va chạm hoặc chấn động, chuyển động qua lại do sự ma sát của các thiết bị như hệ thống máy bơm và mô tơ điện, các phương tiện giao thông vận tải …

Bên cạnh đó, nhà máy nhiệt điện sử dụng khối lượng lớn nước làm mát. Sau khi sử dụng, nhiệt độ nước sẽ tăng lên nên khi thải ra môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy các hợp chất hữu cơ trong nước. Nước thải từ quá trình xử lý khí thải chứa lưu huỳnh bị ô nhiễm kiềm, chất rắn lơ lửng (MgSO3, MgSO4) và có nhiệt độ cao. Nồng độ chất rắn lơ lửng trong nước thải này khoảng 3.000mg/l, nhu cầu oxy sinh hóa (COD) khoảng 1.600mg/l. Đặc biệt, nước thải từ quá trình tái sinh các hạt nhựa trao đổi ion có chứa axít hoặc xút. Loại nước thải này nếu không được xử lý sẽ làm thay đổi tính chất hóa lý của vùng nước tiếp nhận và gây ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh vật tại khu vực thải.

Do các chất gây ô nhiễm phát thải ra môi trường với nồng độ cao nên hệ sinh thái cũng chịu nhiều tác động khác nhau. Đối với hệ sinh thái dưới nước, các nguồn nước thải từ nhà máy nhiệt điện làm chất lượng nguồn nước xấu đi, ảnh hưởng tới sự sống của hầu hết các loài thủy sinh và thậm chí gây cạn kiệt một số loài có giá trị kinh tế, chẳng hạn tôm, cá... 

Đối với hệ sinh thái trên cạn, hầu hết các chất ô nhiễm chứa trong khí thải, nước thải, chất thải rắn và các chất thải nguy hại đều có tác động xấu đến đời sống của động, thực vật như làm cho cây trồng chậm phát triển; đặc biệt các khí axít gây tác hại đến các loại rau, đậu, lúa, bắp; các loại cây ăn trái và cây cảnh. Các chất ô nhiễm không khí như bụi than, SO2, NO2, CO, tổng hydrocarbon và Aldehyt, ngay cả ở nồng độ thấp cũng làm chậm quá trình sinh trưởng của cây trồng; ở nồng độ cao làm vàng lá, hoa quả bị lép, nứt và ở mức độ cao hơn cây sẽ bị chết. Với những tác động bất lợi như vậy, các chủ đầu tư cần thiết phải có những tính toán, dự báo thật chính xác và đầy đủ về mức độ tác động, để từ đó đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động một cách hiệu quả, thiết thực.

Nên giải xong “bài toán” cũ

Thực tế cho thấy, các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam trong quá trình hoạt động đều gây ra những tác động môi trường nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà cả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó. Bãi chứa xỉ ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) suốt thời gian qua vẫn là bài toán chưa có lời giải, khói bụi vẫn liên tục “phủ” lên đời sống người dân, ảnh hưởng nặng về cả đời sống, sức khỏe và việc làm.

Chính vì vậy, các chuyên gia về kinh tế lẫn môi trường đều cho rằng, Bộ Công thương nên tập trung giải quyết, khắc phục hết các vấn đề còn tồn tại của các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, trước khi tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án nhiệt điện mới.

 Vấn đề nhiệt điện lại một lần nữa khiến dư luận “lên ruột” khi vừa qua Bộ Công thương đồng tình với việc xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Long An tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án có công suất 2.800MW nên lượng than tiêu thụ dự kiến khoảng 10 triệu tấn/ năm, được nhập khẩu từ Australia và Indonesia qua tuyến sông Soài Rạp.

Chính quyền và nhân dân TPHCM hết sức quan ngại về vấn đề này vì nhà máy nhiệt điện tiềm ẩn rủi ro cao về việc phát tán bụi, xỉ than, nước thải công nghiệp… gây ô nhiễm không chỉ tại tỉnh Long An, TPHCM mà cả các khu vực lân cận. Chịu tác động đầu tiên là Khu đô thị cảng Hiệp Phước -  Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Đặc biệt, khi tại Cần Giờ vừa có rừng đước ngập mặn, được xem là “lá phổi” của thành phố vừa có khu đô thị sinh thái đang xây dựng tại đây. Trong tương lai, Cần Giờ của TPHCM cũng là nơi phát triển nhiểu nguồn năng lượng xanh - sạch của thành phố.

Khánh Lê

Tin cùng chuyên mục