Theo Nikkei Asian Review, xu hướng này cho phép người dân thưởng thức hương vị gạo chất lượng cao của Nhật Bản mà không phải trả giá cao như gạo Nhật Bản nhập khẩu. Vào giữa tháng 11-2017, nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội, Ofukuro Tei đã bắt đầu bán gạo được trồng ở Việt Nam của Công ty Ajichi Nhật Bản. 3 loại gạo Akisakari, Koshihikari và Hanaechizen bán khoảng 500 yen (4,41 USD) cho mỗi 2kg, giá chỉ bằng một nửa so với loại gạo nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Takenori Ito, Giám đốc điều hành trang trại Ajichi, đến thăm Việt Nam gần như mỗi tháng để đảm bảo việc quản lý đất đai nghiêm ngặt và các công nghệ canh tác khác. Từ mùa hè năm ngoái, Ajichi Farm đã tăng diện tích trồng lúa ở Việt Nam từ 1,5 ha lên 10 ha và bắt đầu bán sản phẩm trong nước. Công ty đặt mục tiêu sản xuất hàng năm 10.000 tấn và doanh thu hàng năm là 2 tỷ yen.
Nhật Bản đang thâm nhập vào các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam để sản xuất lúa gạo . (Ảnh: Wordpress.com)
Trong một khu công nghiệp gần Manila, Philippines, một loại gạo có hàm lượng protein thấp hơn 10% so với gạo thường mang tên Echigo đang được sản xuất cho người bị bệnh thận. Nhà sản xuất là Biotech Japan của tỉnh Niigata. Giám đốc điều hành Kiyosada Egawa đã đến Philippines để giám sát dự án. Công ty có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan và các nước khác. Theo ông Egawa, ở Đông Nam Á là nơi chưa có gạo có hàm lượng protein thấp.
Công ty Yamazaki Rice ở tỉnh Saitama, gần Tokyo, đang bắt đầu hợp tác với một tập đoàn nông nghiệp ở Trung Quốc để trồng lúa ở nước này vào đầu năm 2018. Công ty Forica Foods của tỉnh Niigata dự kiến hợp tác với một công ty địa phương ở Thái Lan vào tháng 4 này để bắt đầu sản xuất gạo có hàm lượng protein thấp. Vào tháng 8-2017, Alpha Food, đặt trụ sở tại tỉnh Shimane, đã bắt đầu nghiên cứu thị trường ở Ấn Độ để khám phá khả năng tham gia vào thị trường với các sản phẩm lấy cảm hứng từ món cơm chiên Biryani của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Kazuhito Yamashita, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu toàn cầu của Canon, cảnh báo về những khó khăn của việc canh tác lúa Nhật Bản ở nước ngoài. Ông cho rằng gạo của Nhật Bản ngon miệng vì sự khác nhau về nhiệt độ giữa các mùa tại Nhật Bản. Nếu gạo Nhật Bản được trồng ở môi trường khác, chất lượng có thể giảm và làm ảnh hưởng đến thương hiệu. Sự phổ biến ngày càng tăng của thực phẩm Nhật Bản đã thúc đẩy các tập đoàn nông nghiệp và các công ty chế biến thực phẩm Nhật Bản tăng sản lượng gạo ở các nước châu Á khác. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, có khoảng 69.300 nhà hàng Nhật Bản ở châu Á vào năm 2017, tăng 50% so với năm 2015. Các khu vực sản xuất lúa gạo ở Nhật Bản đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu gạo với sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nơi chi phí vận chuyển và thuế hải quan cao, gạo nhập khẩu từ Nhật Bản cao gấp 4- 5 lần so với gạo địa phương. Shoichi Ito, giáo sư tại Đại học Kyushu, nói: “Không có đủ gạo của Nhật để đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ của các nhà hàng Nhật Bản trên toàn thế giới”. Theo ông, việc trồng lúa ở nước ngoài đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nông dân Nhật Bản.