Sử dụng sai mục đích
Nhiều năm qua, cư dân sống tại vùng rừng U Minh Hạ khó hiểu khi nhiều đơn vị được giao đất trồng rừng nguyên liệu, nhưng tự ý chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp. Điều này sai với mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, nếu là người dân mà sử dụng đất sai mục đích thì bị xử lý mạnh tay?
Qua phản ánh của người dân địa phương, chúng tôi thuê chiếc vỏ lãi tìm đến khu đất mà UBND tỉnh Cà Mau giao cho Công ty TNHH MTV DV-TM Sông Tiền (Công ty Sông Tiền) vào năm 2012 với diện tích 261ha trồng rừng nguyên liệu tại tiểu khu 022 (huyện U Minh). Tại đây, vẫn còn dấu vết “cánh đồng ớt” mà công ty Sông Tiền trồng. Việc trồng ớt tại tiểu khu 022 là sai quy định. Nguyên nhân, công ty được giao là đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất nhưng lại trồng cây nông nghiệp. Vì vậy, sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau yêu cầu công ty khắc phục, trồng lại rừng.
Ngoài ra, qua tìm hiểu của chúng tôi, một trong những chủ rừng sử dụng đất sai mục đích quy mô lớn là phân trại K3 của Trại giam Cái Tàu. Khu đất tại phân trại này có tổng diện tích hơn 1.400ha (ở ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh). Tuy nhiên, có hơn 1.200ha đã được đem liên doanh, liên kết với các công ty và cá nhân khác để trồng rừng. Điều đáng nói là các đối tác sau đó đã không trừng rừng theo quy định mà trồng cây nông nghiệp như chuối, dừa, mít... Theo cơ quan chức năng, việc đối tác của Trại giam Cái Tàu trồng cây nông nghiệp tại phân trại K3 là chưa đúng với mục đích sử dụng đất.
Trước sự việc nhiều đơn vị làm sai mục đích, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra. Một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Cà Mau xác nhận, sau khi cơ quan chức năng báo cáo thì UBND tỉnh đã họp và chỉ đạo xử lý vấn đề này.
Biến rừng đặc dụng thành ao… nuôi tôm
Cách đây 7 năm (năm 2012), UBND tỉnh Cà Mau giao khu rừng đặc dụng diện tích 127ha là sân chim Đầm Dơi (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi) cho Công ty TNHH Trường Khánh (gọi tắt Công ty Trường Khánh) thực hiện dự án khu du lịch sinh thái kết hợp với gây nuôi động vật hoang dã. Khi dự án được giao, chính quyền địa phương kỳ vọng nhà đầu tư phát triển nơi đây thành điểm du lịch tiêu biểu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến Cà Mau; đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, những kỳ vọng đối với nhà đầu tư vào dự án này đã trở thành nỗi thất vọng.
Những ngày giữa tháng 5-2019, chúng tôi đi thực tế tại khu rừng đặc dụng này chứng kiến cảnh hoang vắng, dự án không có tiến triển gì so với trước đây. Biển báo thông tin dự án treo trước nhà quản lý thì bong tróc, không còn nhận dạng được nữa. Ông Võ Như Toại, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết từ khi được giao đất, Công ty Trường Khánh chỉ tiến hành nạo vét, đào kênh mương bao quanh sân chim và một kênh bên trong với mục đích lấy nước phục vụ nuôi tôm. Từ đó đến nay, nhà đầu tư hầu như không làm những hạng mục khác. “Mỗi lần tiếp xúc cử tri tại địa phương, người dân rất bức xúc về dự án này. Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm giải quyết dứt điểm. Sau đó, xem xét chuyển dự án cho nhà đầu tư khác đủ năng lực để sớm thực hiện dự án”, ông Võ Như Toại kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, xác nhận dự án này đã bị UBND tỉnh thu hồi. Tuy nhiên, do nhà đầu tư đang kiện ra tòa và tòa chưa xử lý nên dự án vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Do đó trên danh nghĩa dự án đã thu hồi, nhưng đất sân chim thì nhà đầu tư vẫn đang… quản lý.