Nhà văn Xuân Thiều và những trang viết về chiến tranh

Nhà văn Xuân Thiều và những trang viết về chiến tranh

Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016

Tôi có may mắn được ở gần nhà văn Xuân Thiều (1930 - 2007) suốt hơn 30 năm. Ông vừa là “sếp”, vừa là đồng nghiệp của tôi ở “nhà số 4” (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) trong nhiều năm. Chúng tôi còn là chỗ láng giềng của nhau nơi “Phố nhà binh”, nhà ông ở Khu tập thể 16A, còn tôi ngụ trong chung cư 32 phố Lý Nam Đế, Hà Nội.

Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học ở quê, ông đã có cảm tình với phong trào đấu tranh yêu nước, đặc biệt là phong trào đấu tranh kiên cường bất khuất của những người cộng sản. Chưa đầy tuổi 15, ông đã tham gia những hoạt động yêu nước ở địa phương chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên cả nước. Năm 1947, chưa tròn 17 tuổi, ông gia nhập lực lượng vũ trang địa phương, rồi phục vụ tại Lữ đoàn 341 của Quân khu 4, lần lượt từ chiến sĩ lên chính trị viên trung đội, chính trị viên đại đội, trợ lý tuyên huấn lữ đoàn.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở chiến trường Bình Trị Thiên nhiều năm, viết văn, làm báo với bút danh Nguyễn Thiều Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông là cán bộ sáng tác rồi Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1977) với quân hàm Đại tá. Năm 1987, ông biệt phái sang Hội Nhà văn làm Chánh Văn phòng, sau đó làm Trưởng ban Sáng tác của hội đến khi nghỉ hưu.

Văn phẩm Xuân Thiều để lại không thật đồ sộ, nhưng trang nào, quyển nào cũng mang dấu ấn của một thời bom đạn ngổn ngang, mà trên cái nền máu lửa ấy là thân phận của những con người đã đi qua chiến tranh, giành lấy chiến thắng một cách quả cảm. Tiêu biểu là những tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và hai tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016: Huế mùa mai đỏ (tiểu thuyết) và Khúc hát mở đầu (tập truyện).

Huế mùa mai đỏ là cuốn tiểu thuyết viết theo lối sử thi, mô tả cuộc chiến đấu ngoan cường và vô cùng ác liệt ở Bình Trị Thiên - một vùng đất đói nghèo và miên man nắng gió; đặc biệt là vùng ven thành phố Huế trong những năm tháng chiến tranh, cụ thể nhất là trước và sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.

Huế mùa mai đỏ được ghi nhận “không chỉ tái tạo lại không khí của một mùa tổng tiến công chiến lược mà quý hơn, tác giả đã tạc lại những con người tuyệt vời của mùa xuân lịch sử” (Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu). Nhà phê bình Nguyễn Hữu Sơn xem bộ tiểu thuyết là: “một sự tổng kết và dấu hiệu vận động của tư duy nghệ thuật ở ngòi bút Xuân Thiều”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một Hội thảo về cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 nói: “Huế trong mùa xuân Mậu Thân năm 1968 rất oai hùng và vô cùng quyết liệt. Nhắc về giai đoạn này, tôi lại nhớ nhà văn Xuân Thiều và cuốn tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ của ông...”.

Tác giả của Huế mùa mai đỏ chia sẻ: “Mãi cuối năm 1968 tôi mới vào chiến trường Trị - Thiên. Ngay khi tôi mới đến, các anh trong lãnh đạo khu ủy và quân khu đều khuyên tôi nên viết về chiến dịch Mậu Thân - Huế. Là một nhà văn hoạt động trong quân đội, sự kiện 25 ngày đêm ở Huế với tôi vô cùng hấp dẫn, cần phải tìm hiểu. Bấy giờ, quân khu đang tận trên biên giới Lào - Việt. Đấy là thời kỳ đầy khó khăn sau Mậu Thân: địch phản kích quyết liệt, đói và sốt rét ác tính. Quả thật, bộ đội bám về giáp ranh đã khó, nói gì trở về đồng bằng, trở về Huế. Tôi chỉ còn một cách là tìm gặp cán bộ chiến sĩ tham gia Mậu Thân - Huế ở Trung đoàn Phú Xuân, thành đội Huế và một số đơn vị khác hỏi chuyện. Suốt một năm la cà khắp các đơn vị, sổ tay tôi đầy những trang ghi chép. Những tài liệu thu lượm được về Huế - Mậu Thân luôn trăn trở, thôi thúc tôi. Viết về Huế - Mậu Thân tức là viết về vấn đề gì của con người? Điều băn khoăn ấy chưa dễ gì giải đáp được. Chả lẽ lại đi minh họa một chiến dịch như một thứ truyện tư liệu? Năm 1995 những trang đầu tiên của bộ tiểu thuyết Tư Thiên (tên ban đầu của Huế mùa mai đỏ) mới được viết ra...”

Tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ đã được trao giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995. Dựa trên tiểu thuyết này, đạo diễn NSƯT Trần Vịnh - cũng là một chiến sĩ của Quân khu Trị Thiên Huế năm 1968, đã làm bộ phim truyền hình 25 tập cùng tên, được công chiếu trên nhiều kênh truyền hình.

Tập truyện dài Khúc hát mở đầu là câu chuyện kể về những thiếu niên vùng tạm bị Mỹ - ngụy chiếm đóng ở vùng sông nước Trị - Thiên. Tuổi thơ của các em thật hồn nhiên và tinh thần yêu nước đến với các em cũng thật tự nhiên. Nó giống như một bài ca, một khúc hát mở đầu để các em đến với cách mạng, đến với giải phóng. Sách dày hơn 200 trang, lại là những câu chuyện của trẻ nhỏ, nhưng dưới ngòi bút của Xuân Thiều cả một miền quê vùng sông nước Thừa Thiên đã hiện lên với tất cả vẻ đẹp, nét riêng cùng đó là tình người, tình bạn, tình yêu với quê hương đất nước. Khúc hát mở đầu do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 1996 và năm 2016 được Nhà xuất bản Văn học tái bản. Tác phẩm từng được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng (1982). Xuân Thiều là một trong những nhà văn quân đội đầu tiên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ.

Trong những năm chiến tranh với bút danh Nguyễn Thiều Nam, ông còn viết những tác phẩm được nhiều người biết tới như: Mặt trận kêu gọi, Chiến đấu trên mặt đường, Gieo mầm, Tâm sự chiến sĩ quản tượng, Chuyện làng Rapồng… Ấy là những trang viết đầy đạn bom, lửa khói và chết chóc nhưng cũng thật lãng mạn. Và từ những năm lăn lộn cùng bộ đội dưới cả trời bom đạn ấy, về sau Xuân Thiều mới viết được những tác phẩm như: Truyền thuyết quán tiên, Xin đừng gõ cửa, Người mẹ tội lỗi… làm xôn xao dư luận bạn đọc một thời.

Từ một học sinh trường làng trở thành một sĩ quan cao cấp của quân đội. Từ một người viết văn nghiệp dư dưới đơn vị cơ sở trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, Phó Tổng biên tập một tạp chí văn chương có uy tín nhất nước và là Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều giải thưởng, phần thưởng và danh hiệu cao quý; đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mới đây, tên tuổi Xuân Thiều đã vinh dự được đặt tên cho một trường tiểu học đặt tại nơi chôn nhau cắt rốn của ông - Trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đời ông, văn nghiệp của ông đã nêu một tấm gương, một bài học về sự say mê rèn luyện, học tập cũng như lòng trung hiếu, kiên trung với quê hương, với Tổ quốc. Ông xứng đáng là bậc lão thành của cách mạng, của Đảng; đồng thời tên tuổi ông cũng là niềm vinh dự của quê hương Hà Tĩnh nói chung và nói riêng quê hương Bùi Xá, sông La.

NGÔ VĨNH BÌNH  

Tin cùng chuyên mục