- PHÓNG VIÊN: Không ít đồng nghiệp bất ngờ khi biết anh chuyển hướng sang thể loại fantasy. Có thể hiểu tiểu thuyết Bãi săn là cuộc thử sức hay chinh phục của nhà văn Nguyễn Đình Tú?
>> Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH TÚ: Tạo ra điều bất ngờ đối với bản thân là điều thú vị nên làm, nhưng làm nên bất ngờ với đồng nghiệp và bạn đọc thì càng cần được coi là một “nhiệm vụ tự thân”. Bãi săn, cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi vừa là thử sức, vừa là chinh phục. Thử sức với chính khả năng sáng tạo của mình, cũng đồng thời là mục tiêu mình cần chinh phục trong hành trình lao động dài dằng dặc của một nhà văn không muốn dừng việc ra sách. Ngoài ra, sự chinh phục còn ý nghĩa với độc giả nữa.
- Trong Bãi săn, hơn một lần anh nhắc đến Harry Potter và J.K. Rowling. Đây có thể xem là một hàm ý về ước mơ hay là cách anh định hướng bạn đọc, giúp họ không đi “chệch” thể loại fantasy mà anh đang theo đuổi?
Sau khi Bãi săn ra đời, một số tờ báo nhắc đến nó như một “Harry Potter của Việt Nam”. Như vậy, chính các nhà báo này đã “định hướng” bạn đọc rằng, Bãi săn không thể hiểu chệch ý nghĩa nó là một tác phẩm fantasy thuần Việt đang được kỳ vọng có thể gây ra tiếng vang nào đó. Còn với tư cách là tác giả, tôi chỉ muốn nói rằng, Bãi săn không có hơi hướng của Harry Potter. Nó là một tác phẩm huyền ảo mang đậm các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh của người Việt.
- Ở tác phẩm này, bên cạnh yếu tố giả tưởng, anh còn lồng ghép vào các yếu tố lịch sử, văn hóa tâm linh, tôn giáo… Điều này có nằm trong một mục đích nào đó của anh?
Đương nhiên là hướng tới mục đích khác biệt của nó giữa muôn ngàn tác phẩm fantasy ngoại nhập. Độc giả fantasy là những người rất thông minh. Họ đã bị chinh phục bởi những Chúa tể những chiếc nhẫn, Harry Potter, Chạng vạng, Quân đoàn hủy diệt, Cậu bé cưỡi rồng… cũng có nghĩa là họ cần một thế giới thần diệu mới mẻ, kỳ thú, khác lạ với những gì họ đã đọc. Muốn khác lạ với các món ăn ngoại nhập ấy, chỉ còn cách dùng chính những “nguyên liệu” bản địa mà thôi.
Ngoài việc tạo nên sự độc đáo thuần Việt trong tác phẩm, tôi cũng muốn người đọc yêu lịch sử và văn hóa Việt Nam hơn. Khi yêu, họ sẽ tìm kiếm, trân trọng và gìn giữ lịch sử. Như thế cũng có nghĩa là nhà văn đã làm được điều giản dị mà cao quý, đó là làm cho bạn đọc yêu đất nước mình.
- Đã thành công và được định danh với những tác phẩm mang tính hiện thực. Anh hình dung fantasy như thế nào khi chuyển sang thể loại này?
Tôi hình dung một cách đơn giản rằng, hãy đưa lại sự khoan khoái, hoan hỉ cho bạn đọc bằng những câu chuyện bớt màu sắc hiện thực một chút. Cuộc sống đã quá nhiều thứ mệt óc rồi. Hãy dâng hiến cho những người bỏ thời gian và tiền bạc ra vì sách của mình một điều gì đó kỳ lạ, hấp dẫn, thú vị nhưng nhẹ nhàng hơn, thân ái hơn, tất nhiên không kém phần nhân văn.
- Các tác phẩm thuộc thể loại fantasy khá hút độc giả trên thế giới, thậm chí trở thành best seller. Có điều, chúng vẫn đang được nhìn nhận là tác phẩm giải trí. Bằng chứng là các giải thưởng danh giá như Nobel, Pulitzer, Goncourt… chưa bao giờ có tên những tác phẩm này. Anh nghĩ gì về thực tế này?
Cái gì thực sự có giá trị sẽ được ghi nhận. Những tác giả như Rowling không đến Viện Hàn lâm Thụy Điển để nhận giải thì sẽ được số người đọc Harry Potter tôn vinh. Ở Trung Quốc, những tác phẩm đoạt giải Nobel của Mạc Ngôn sẽ sống chung cùng các bộ kiếm hiệp của Kim Dung khá lâu nữa.
Tôi nghĩ đơn giản hơn, nhà văn cần phải có bạn đọc. Còn tác phẩm của nhà văn đó được tổ chức nào vinh danh cũng quý, không vinh danh cũng không sao cả. Nếu số phận không chọn ta làm đỉnh thì ta làm nền cũng được chứ sao. Ít ra, ta đã được làm công việc mà mình yêu thích.
- Việc fantasy còn mới lạ đối với độc giả trong nước mang đến cơ hội và thách thức nào cho anh cũng như các tác giả theo đuổi thể loại này?
Các dòng văn học ở Việt Nam phát triển quá bất đối xứng. Hầu như các nhà văn Việt Nam hoặc là không muốn, hoặc là không thể, thờ ơ, hoặc coi thường việc sáng tác những thể loại như fantasy, trinh thám, ngôn tình, tiên hiệp, kinh dị, chưởng…
Một dòng văn học được xác định bởi đội ngũ sáng tác, số lượng tác phẩm và thành tựu văn chương. Chúng ta không có những đội ngũ theo đuổi những dòng văn học như tôi vừa nêu nên không có số lượng tác phẩm đáng kể và đương nhiên cũng không có thành tựu gì nổi bật. Như vậy, có thể coi đó là những dòng sách còn khá mới mẻ ở nước ta và sẽ là cơ hội cho những ai dám tiên phong, dám dấn thân thử nghiệm. Mặt khác, vì các dòng sách này chưa định hình rõ rệt nên không có lượng công chúng ổn định. Đó lại là thách thức mà người viết phải chấp nhận vượt qua, khi vượt qua được, tức là tạo lập được lượng công chúng cho dòng sách mình theo đuổi, lúc ấy các nhà văn có quyền hưởng thành quả.
- Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt khi viết về thể loại fantasy? Điều này có phải là áp lực với anh?
Điều này mỗi nhà văn sẽ có câu trả lời riêng. Với tôi, nếu coi các dòng văn học khác là viết cái có thật như thật thì fantasy là viết cái không thật như thật. Từ quan niệm này, tôi muốn tạo sự khác biệt bằng chính cái thuần Việt mà hiện nay rất ít các tác phẩm fantasy của Việt Nam có được. Đương nhiên, nói thì dễ, làm được đến đâu còn tùy thuộc tài năng của người viết. Nhưng tôi tin, mong muốn có những tác phẩm fantasy của người Việt, dành cho người Việt đọc, đang là mong muốn của nhiều tác giả trẻ và họ sẽ thành công nếu quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.