Tinh tế và giàu cảm xúc
Thực ra, đó là những giọt nước mắt vui, không có gì lạ lùng hay khó hiểu, bởi chẳng có quy luật nào cho những giọt nước mắt. Người ta có thể buồn thì nhoẻn miệng cười và ngược lại, khóc cho những niềm vui đang hiện diện. Huống chi trong lần hạnh ngộ này, dù không nhiều nhưng vẫn còn đó những người bạn cũ. Và cả người mới, những độc giả đầu xanh đem lòng yêu mến văn chương Kiệt Tấn.
Chừng đó cũng đủ vui rồi và niềm vui ấy mang hình hài của những giọt nước mắt. Nhà văn Kiệt Tấn (tên thật là Lê Tấn Kiệt, sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) chạm ngõ văn chương bắt đầu bằng thơ. Ông có tập thơ Điệp khúc tình yêu và trái phá xuất bản năm 1966. Về sau, ông chuyển sang viết văn xuôi nhiều hơn và người ta nhớ về ông có lẽ phần lớn nhờ văn xuôi hơn là thơ.
Nghe nói 2 năm trước, cũng có một nhà sách mời ông về giao lưu với độc giả. Còn lần này, ông có dịp tái ngộ với độc giả trong nước nhân dịp cuốn sách Vườn chanh miệt biển được Công ty Thiện Tri Thức và NXB Đà Nẵng ấn hành.
Bạn đọc trong nước từng biết đến Kiệt Tấn qua một số ấn phẩm như Em điên xõa tóc (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2009), Người em xóm học (NXB Thời đại, 2011), Lớp lớp phù sa (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2012) và Đêm cỏ Tuyết (NXB Hội Nhà văn, 2014). Tuyển tập Vườn chanh miệt vườn là tuyển tập thứ 5 của ông được xuất bản tại Việt Nam.
Tuyển tập gồm 5 tác phẩm, trong đó có 4 truyện ngắn và 1 tùy bút. Các truyện ngắn: Nụ cười tre trúc, Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!, Năm nay đào lại nở và Bạch thử cô nương tập trung vào chủ đề hoài niệm về những ký ức thời thơ ấu và tuổi trẻ của tác giả ở quê nhà vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20 tại vùng đất Nam bộ. Còn tùy bút Vườn chanh miệt biển là những suy tưởng về cuộc đời, con người và những điều tác giả đã trải qua trong những năm tháng sống xa quê hương.
Thực ra, những truyện ngắn và tùy bút kia đã được in rải rác trong một số tuyển tập trước của Kiệt Tấn. Nhưng điều này hoàn toàn không gây khó chịu cho độc giả, nhất là với những độc giả trẻ bắt đầu tiếp cận văn chương Kiệt Tấn. Và chắc chắn, mỗi lần đọc, người đọc lại có một dư vị khác nhau.
Bởi đó là thứ văn chương được viết kỹ lưỡng, tinh tế và giàu cảm xúc. Văn chương Kiệt Tấn, nếu để so sánh, có lẽ không có gì chính xác hơn là món thịt kho do đích thân người cha của ông vào bếp mỗi lần tết về. Chỉ là miếng thịt heo ba rọi có nhiều mỡ, cắt cục vuông thiệt lớn, lấy cọng lát buộc chéo ngang rồi đốt lửa riu riu, kho thiệt lạt và kho thiệt nhiều bận lửa.
Vậy thôi mà khiến ông nhớ da diết: “Chừng đem ra ăn, mỡ đã rệu, chỉ cần mó đũa vào là mỡ phao ra, đưa vào miệng là chỉ có nuốt cái hương vị béo bùi, thả bánh tét vào nhâm nhi là hết sảy. Ăn từ mùng một tới mùng ba vẫn không biết ngán, vì càng nhiều lửa, thịt càng mềm mỡ càng rệu”. (Trích Em vịt vàng nhỏ của tôi ơi!).
Không tìm hạnh phúc trong văn chương
Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng của văn chương, từng được nhiều nhà văn xác quyết, chính là tính hư cấu và trí tưởng tượng. Thậm chí có người cho rằng, chính trí tưởng tượng mới giúp cho nhà văn đi xa. Và bao nhiêu năm nay, có vô số tác phẩm văn chương đã ra mắt, từng đoạt giải Nobel hay các giải thưởng danh giá khác thì đại đa số đều là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú và giàu có.
Còn văn chương Kiệt Tấn là trường hợp hoàn toàn ngược lại. Văn của ông tự nhiên, dường như đã không tồn tại ranh giới giữa đời thường và hư cấu. Thậm chí có những con người, những câu chuyện thật ngoài đời được ông đưa vào văn chương rất nhuần nhị, không có cảm giác đang đọc tự truyện hay hồi ký.
Ông tâm sự: “Khi viết văn, tôi không hư cấu. Nếu có gọi là hư cấu thì với những chi tiết có thật, mình phải sắp xếp như thế nào đó để nó thành văn chương. Khi viết truyện, tôi phải giữ nguyên tên nhân vật mới viết được, nếu sửa tên, tôi cảm thấy xa lạ với mình, không viết được nữa. Hồi nhỏ, tôi có đọc tiểu thuyết nhưng sau này thì không, vì khi cầm sách lên, tôi biết câu chuyện này là bịa đặt, khó chịu lắm!”.
Nhà văn Kiệt Tấn có một nguyên tắc: không viết thì thôi, đã viết phải gợi cho người đọc sự thích thú, cho họ thấy được những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Khi viết, ông luôn đặt mình vào vị trí của người đọc để trả lời cho câu hỏi: Viết như vậy thì họ đọc có thấy thích không?
“Tôi muốn mọi sự nó tự nhiên, chứ không phải gọt giũa. Tôi không cầu kỳ, chỉ muốn viết sao mà người ta đọc thấy đẹp, thấy tự nhiên. Chứ không phải viết để người ta đọc xong rồi ngán ngẩm: Ông này cố dùng những chữ đọc lên nghe chan chát. Tôi rất kỵ chuyện đó”, nhà văn Kiệt Tấn bộc bạch.
Sự tự nhiên trong văn chương Kiệt Tấn dễ khiến nhiều người nghĩ rằng ông viết văn dễ dàng. Nhưng thực tế không phải vậy. Ông tự nhận: “Tôi viết rất khổ. Nếu mà sống hạnh phúc thì không bao giờ tôi viết. Tôi viết như người ta lên đồng, khi khóc khi cười, khổ lắm. Tôi không tìm hạnh phúc trong văn chương, viết vì nhu cầu viết, không phải đi tìm cái gì trong đó, không nghĩ mình làm văn chương. Tôi cũng chẳng biết văn chương là gì hết”.
Hỏi nhà văn Kiệt Tấn, chủ trương viết của ông là như thế nào? Nghĩ một hồi, ông bảo, chủ trương viết của tôi là viết từ bên trái sang bên phải, viết từ trên xuống. “Chỉ vậy thôi, chứ tôi cũng không biết phải viết làm sao nữa. Viết vậy người ta mới đọc được, chứ viết ngược làm sao người ta đọc được”, ông nói xong rồi cười hóm hỉnh…