Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: Để các em biết văn chương của chúng ta đã có những gì

Sau khi công bố 2 tập đầu, nhận được giải thưởng Sách hay 2018 và tình cảm từ giới chuyên môn, bạn đọc, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy  tiếp tục giới thiệu tập 3 của bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924. Hôm nay 9-12, ông có buổi giao lưu với bạn đọc tại Đường sách TPHCM. 
Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy: Để các em biết văn chương của chúng ta đã có những gì

Có những thứ có tiền cũng khó mua

PHÓNG VIÊN: Anh từng làm thơ, viết văn xuôi nhưng thời gian gần đây lại thường công bố những công trình nghiên cứu được làm công phu với nhiều tư liệu quý giá. Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc này?

Nhà nghiên cứu TRẦN NHẬT VY: Thực ra, tư liệu về Sài Gòn tôi đã chuẩn bị từ lâu, chỉ có điều trong thời gian làm báo, không có thời gian dành cho nó. Mà công việc nghiên cứu đòi hỏi phải cẩn thận, chính xác. Mãi đến lúc sắp sửa nghỉ hưu, tôi mới có thời gian để theo đuổi công việc mà mình hằng ấp ủ. Tôi cho rằng, con người đến thế giới này với hai bàn tay trắng, lúc ra đi mình cũng không mang theo được gì. Đặc biệt là kiến thức, nếu anh không để lại, nó sẽ mất vĩnh viễn. Trong nhiều thứ, tôi muốn để lại cho lớp người đi sau những thứ mà tôi đã biết, để sau này họ đỡ mất công đi tìm. 

Bộ Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 cũng nằm trong ý niệm đó của anh? 

Đúng vậy. Văn chương Sài Gòn đã thất lạc hơn 100 năm. Nói thất lạc nghĩa là có người biết, chứ hoàn toàn không phải là không biết, nhưng nó không tập hợp lại thành những tuyển tập như tôi đang làm, cũng không được đưa vào trường học, thành ra tản mát. Tôi nghĩ, nếu mình không làm điều này, nó sẽ mất đi; khi đó, lớp người đi sau cũng phải mất rất nhiều tâm sức mới tìm lại được, rất mất công. Trong khi mình đang có điều kiện tìm được, giới thiệu được thì mình cứ làm. Mặc dù bộ sách này còn 2 cuốn nữa nhưng vẫn chưa phải là tất cả, vì tài liệu bây giờ rất khó tìm. Tuy nhiên, ít nhiều nó cũng giới thiệu được một phần nào đó những gì mà tiền nhân của chúng ta để lại kể từ khi có chữ Quốc ngữ.

Có một thực tế là ý thức lưu trữ của chúng ta còn kém, cộng thêm biến cố của lịch sử, của chiến tranh nên nhiều tài liệu bị thất thoát. Điều này gây cho anh những khó khăn gì trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm tài liệu?  

Đây quả thực là một khó khăn vô cùng lớn. Nhưng, cái khó mà tôi gọi là “cái khó dễ thương” chính là vấn đề chính tả. Người xưa sử dụng dấu hỏi dấu ngã búa xua, tôi đọc muốn điên đầu. Tôi không dám thuê người ngoài, vì nếu thuê người ta chép, đằng nào tôi cũng phải đọc lại, đối chiếu với bản gốc nên tôi tự chép luôn. Tôi vừa phải chép lại vừa suy nghĩ xem chữ này, chữ kia nghĩa là gì. Tôi có may mắn được lớn lên ở Sài Gòn, thành ra có những từ mà người ta nói với nhau trước đây tôi đều hiểu. Bây giờ tôi chú thích thêm hoặc tìm từ kèm theo để độc giả dễ dàng tiếp cận.
 
Ngoài ra, tư liệu cũng cực kỳ khó kiếm. Nhiều tư liệu trong nước bị thất thoát, thậm chí là không còn nữa vì nhiều lý do. Nhiều khi tôi phải nhờ những người bạn, người thầy ở nước ngoài hỗ trợ thêm. Có những tư liệu tôi biết là có nhưng vì không có bản gốc nên phải nhờ những người bạn mua bản scan ở thư viện của nước ngoài như thư viện ở Pháp, thư viện Trường Đại học Cornell (New York, Mỹ). Tôi cũng mua được sách báo cũ ở trong nước để làm tư liệu.  

Nghe anh kể, có thể hình dung công việc này đòi hỏi sự công phu và vô cùng tốn kém, trong khi nhuận bút từ sách không đáng bao nhiêu? 

Tiền để mua tài liệu vô vàn lắm. Tiền quan trọng nhưng không phải là tất cả. Nếu không nhiều tiền, mình buộc phải tự xoay trong khả năng của mình, chấp nhận tình thế của “con nhà nghèo” như chịu khó đi lùng mua với giá rẻ, hoặc mượn - xin lại của bạn bè những bản sao chép. Mình phải tìm cách nào đó để có nguồn tài liệu phong phú, bởi vì nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được. Nhiều người có tài liệu nhưng không bán. Chẳng hạn, tôi đang năn nỉ một bà bán sách ở quận Phú Nhuận, có nửa bộ báo Nam kỳ gồm 60 tờ, giá trị cũng phải trên 2.000 USD nhưng họ vẫn chưa chịu bán. 

Mong nghiên cứu được đưa vào sách giáo khoa 

Từ trước tới nay, người ta vẫn truyền nhau câu nói “văn Bắc, báo Nam” nhưng với bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 thì không hẳn vậy. Anh có muốn “đính chính” gì thông qua bộ sách này? 

Việc nói là việc của người ta, tôi làm không nhằm mục đích đó. Trong lời nói đầu của bộ sách, tôi có nói mình chỉ là người sưu tầm, biên soạn; việc còn lại, nghiên cứu, nhận xét, thay đổi sao đó là việc của những người có chuyên môn. Tôi chỉ có mong ước duy nhất là những điều mình đã làm được thông qua những tác phẩm mình dày công biên soạn, lớp trẻ sau này đọc được và biết được. Hy vọng có truyện nào đó, tác giả nào đó được đưa vào chương trình giáo dục, vào sách giáo khoa để bổ sung đầy đủ diện mạo của văn học Việt Nam hơn.  

Bộ Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 gồm 5 tập, ngoài 3 tập đã ra mắt, anh có thể tiết lộ một chút về nội dung 2 tập còn lại?
 

Cuốn thứ 4 sẽ là du ký, cuốn thứ 5 là tập văn vần. Tôi sẽ lược bỏ những bài ngắn, tả cảnh tả tình vì nó nhiều quá. Văn vần rất quan trọng trong văn học Việt Nam mà đặc biệt là văn học Quốc ngữ. Thời đó, số người biết chữ rất ít, đặc biệt phụ nữ coi như là mù chữ. Vậy họ đọc sách, tìm hiểu những lời dạy của người xưa bằng cách nào? Chính là bằng thơ, bằng văn vần. Văn vần dễ đọc, dễ thuộc và dễ truyền đi xa, lâu. 

Theo anh, đóng góp lớn nhất của văn chương Sài Gòn giai đoạn 1881 - 1924 là gì?

Nó làm thay đổi nhiều thứ. Người Việt trước đây chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo. Sự xuất hiện của văn chương Quốc ngữ trong giai đoạn này giúp người dân biết được thế giới này không chỉ có Khổng Tử, Trang Tử. Ngoài ra, văn chương Sài Gòn 1881 - 1924 còn giúp cho những người học tiếng Việt biết được nhiều chữ hơn. Tôi đang viết một cuốn, kéo dài khá lâu rồi vì cuốn này hơi khó, đó là Tiếng Sài Gòn. Khi cuốn sách ra đời, mọi người sẽ thấy tiếng Sài Gòn nói và viết rất khác, do ở đây có sự giao lưu với nhiều nước từ rất lâu đời. 

Còn điều tiếc nuối nhất của anh đối với Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924?

 Tôi cảm thấy đáng tiếc nhất là cho tới bây giờ nó mới xuất hiện, trong khi lẽ ra người ta phải biết đến sớm hơn. Thêm vào đó, nó chưa được nghiên cứu cẩn thận. Tôi nghĩ, văn chương Sài Gòn cần được lựa chọn để đưa vào chương trình giáo dục, ít nhất là cấp 3, để các em biết văn chương của chúng ta đã có những gì.

Tin cùng chuyên mục