Theo các chuyên gia xây dựng, bê tông cốt phi kim (sợi GFRP, PP, PE,...) được đánh giá là giải pháp mới cho các công trình trên biển, trên các khu vực có môi trường khí hậu khắc nghiệt, chịu sự tác động nặng nề của phong hóa, ăn mòn và tác động của nước biển.
Căn nhà mẫu theo công nghệ bê tông cốt phi kim
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết từ năm 2017 đơn vị này đã phát động chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, xâm nhập mặn theo hình thức xã hội hóa. Riêng tại các tỉnh phía Nam, Cà Mau và Bến Tre là 2 địa phương đầu tiên được hỗ trợ xây nhà làm bằng vật liệu cốt phi kim lắp ghép cách âm, cách nhiệt, chống thấm - công nghệ mới do Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO) nghiên cứu thực hiện, với nguồn vốn tài trợ 2 tỷ đồng của Công ty CP nhựa Tân Đại Hưng.
Nói về giải pháp xây nhà ứng dụng công nghệ bê tông cốt sợi phi kim, ông Hoàng Đức Thảo, Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc BUSADCO, cho biết các cấu kiện của ngôi nhà như móng, cột, dầm, đà, tường… được đúc sẵn bằng vật liệu bê tông cốt phi kim với các khớp nối, rãnh, khe, gờ để liên kết ngàm với nhau. Các tấm vách tường có tính năng chống thấm tuyệt đối, được kiểm tra bằng phương pháp thử nghiệm bịt 2 đầu bơm nước theo dõi dài hạn.
Cũng nhờ đúc sẵn trong nhà xưởng nên các cấu kiện không bị ảnh hưởng tiến độ bởi thời tiết. Trong thực nghiệm, việc lắp ghép các cấu kiện đúc sẵn giúp rút ngắn tiến độ thi công chỉ bằng 1/3 thời gian so với giải pháp xây nhà truyền thống. Nếu tính bằng giá trị, cùng một quy mô ngôi nhà, chi phí cũng rẻ hơn 30% so với kỹ thuật xây dựng nhà thông thường.
Riêng với công nghệ bê tông cốt sợi phi kim, theo ông Hoàng Đức Thảo, BUSADCO đã nghiên cứu và ứng dụng thành công vào các công trình hạ tầng kỹ thuật tại nhiều địa phương trong cả nước. Đây cũng là một phần trong cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 5. Điển hình như Dự án xây dựng kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển Thái Bình; Dự án nâng cấp, xây dựng đê biển Cần Giờ, TPHCM; Dự án xây dựng hào kỹ thuật phục vụ ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Bà Rịa - Vũng Tàu…
“Vật liệu bê tông cốt phi kim với đặc điểm nổi trội là có khối lượng nhẹ hơn các vật liệu truyền thống nên dễ thi công, lắp dựng; cùng với đó là các đặc tính chống ăn mòn, xâm thực. Đây được coi là vật liệu phù hợp cho các công trình tại những khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hoàng Đức Thảo cho biết thêm.