TPHCM có nhiều điều kiện để trở thành địa phương giữ vai trò “đầu tàu” về kinh tế nhờ vị trí thuận lợi, hội tụ được dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) như sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện... Theo đó, nhiều DN ở các địa phương khác trong cả nước chọn TP là nơi tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống phân phối của nội địa ngày càng thu hẹp, thay vào đó là hệ thống phân phối nước ngoài đang mở rộng, nên việc tiêu thụ hàng hóa của DN nội ở các tỉnh khác tại TPHCM ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù TPHCM tập trung nhiều DN có quy mô lớn nhất trong cả nước, nhưng các DN này chưa chú trọng đến việc phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh ở các địa phương trong nước, mà đa phần nhập hàng hóa trung gian từ nước ngoài. Do vậy, chưa phát huy được vai trò đầu tàu, chưa tạo ra được nhu cầu cho DN nhỏ ở các địa phương khác phát triển. Bên cạnh đó, DN ở TPHCM duy trì khá lâu phương thức sản xuất gia công, rất ít DN làm chủ được thiết kế, thương hiệu nên năng suất lao động, hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Vì thế, nền kinh tế vẫn còn phát triển theo chiều rộng, chưa tập trung phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng công nghệ.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do chưa hình thành được “cụm liên kết ngành mở” trong quá trình phát triển. Các DN của TP hoạt động khá rời rạc, chưa kết nối được với nhau thành chuỗi để hỗ trợ nhau trong phạm vi TP lẫn các địa phương khác. Các dịch vụ hỗ trợ sản xuất của DN cũng chưa hoàn thiện, nên chưa tạo nền tảng vững chắc cho phát triển các ngành công nghiệp của TP. Quỹ đất phát triển công nghiệp TP đang dần trở nên khan hiếm. Các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, cơ khí đơn giản, lương thực thực phẩm mất dần ưu thế trong tương lai, do đó cần cân nhắc phát triển những ngành này theo các công đoạn mà TP có lợi thế (như thiết kế, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác có trình độ tự động hóa cao, điện tử và công nghệ thông tin). Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, nước… lại đang chịu sức ép quá tải trong khi ngân sách, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng.
Vai trò “đầu tàu” về kinh tế của TP cần được xác định theo nguyên tắc nhất quán là “sự phát triển của mình có tác động lôi kéo sự phát triển của các địa phương lân cận”. Để đảm nhận được vai trò đó, TP phải đầu tư để hội đủ các điều kiện về dịch vụ hỗ trợ DN như trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa, dịch vụ tài chính, viễn thông, vận chuyển, kho bãi; các cơ sở đào tạo nhân lực và nghiên cứu công nghệ như trường học, viện nghiên cứu; các dịch vụ như bệnh viện, khu du lịch, lưu trú và giải trí. Muốn vậy, cần xây dựng các “cụm liên kết ngành mở” theo hướng liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh của TPHCM. Các hoạt động liên kết dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính kết nối, đảm bảo khả năng lan tỏa công nghệ của DN TPHCM về các địa phương khác.
TP cần xây dựng được hệ thống các DN lớn, đủ vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế, đảm nhận khâu nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm lẫn phân phối và có mối liên kết chặt chẽ với các DN ở các địa phương. Để thúc đẩy mối liên kết này, cần xây dựng cơ chế khuyến khích các DN phát triển vệ tinh cung ứng hỗ trợ ở trong nước và quốc tế. Đặc biệt là việc quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… nhằm tránh tình trạng đầu tư, thu hút đầu tư trùng lắp, gây lãng phí, triệt tiêu động lực phát triển của nhau.
Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN
Thành viên Nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM