Nguy cơ lũ chồng lũ

Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Đến chiều 12-12, lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung đều đã xuống mức báo động 1 hoặc dưới báo động 1. 

 

Tình trạng ngập lụt ở các địa phương như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đã không còn diễn ra. Riêng Quảng Nam, do lũ rút chậm cùng với việc các hồ chứa xả lũ nên hàng trăm hộ dân vẫn còn bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt nhiều nơi. 

Tại Đà Nẵng, sau 2 ngày mưa lớn liên tiếp, nhiều tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Ban quản lý cũng khuyến cáo người dân và du khách hạn chế di chuyển lên đỉnh Bàn Cờ, điểm du lịch Cây đa ngàn năm... khi có mưa. Chiều 12-12, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết: Tổng khối lượng đất đá sạt lở tại khu vực này khoảng hơn 680m3. Trong đó, nặng nhất là tuyến đường nối từ đường Yết Kiêu lên đỉnh Bàn Cờ dài 5km nhưng có đến 12 điểm sạt lở, trong đó có một điểm sạt lở bờ taluy âm rất nặng.
Còn tại Quảng Trị, trong 2 ngày 8 và 9-12, mưa lớn kéo dài khiến bờ kè trước mặt Thành cổ Quảng Trị xuất hiện 2 điểm sạt lở với tổng chiều dài 100m, ăn sâu vào bên trong gần 2m. Hiện Ban Quản lý di tích tỉnh Quảng Trị đã cho đóng 30 cọc sắt chữ I dài 6m xuống sát bờ kè được khoảng 50m. Đồng thời, tiến hành nạo vét đất cát, gạch đá bị sạt xuống bờ hồ, dựng rào chắn để bảo đảm an toàn và mỹ quan.

Tại Bình Định, mưa lũ khiến ruộng đồng của người dân tại các huyện Hoài Nhơn, An Lão, Phù Mỹ, Hoài Ân… bị sa bồi thủy phá, sạt lở rất nặng nề, nguy cơ chậm sản xuất vụ đông-xuân là rất lớn. Trước tình hình này, ngay trong ngày 12-12, các địa phương vận động người dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo, ra đồng khắc phục, tập trung gieo sạ cho kịp thời vụ. 

Nông dân huyện Hoài Nhơn (Bình Định) ra đồng trực nước dọn lũ   để khôi phục sản xuất       
 Ảnh: NGỌC OAI
 Cũng theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đợt lũ vừa qua đã làm 13 người chết (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên - Huế: 1, Quảng Nam: 3, Bình Định: 5, Quảng Ngãi: 2) và 2 người mất tích (Quảng Ngãi: 1, Bình Định: 1). Ngoài ra, mưa lũ cũng làm sập 8 nhà dân, trên 33.500 nhà bị ngập nước; phải di dời khẩn cấp gần 6.000 hộ dân. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về nông nghiệp với trên 13.000ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 768ha ao hồ nuôi trồng thủy hải sản của người dân bị ngập, thiệt hại; hơn 11km bờ biển, bờ sông bị sạt lở… Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính thiệt hại về tài sản ở các địa phương lên đến hàng trăm tỷ đồng.


Trong chiều cùng ngày, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Trung Trung bộ cho biết: Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với trường gió Đông hoạt động mạnh dần lên nên trong trong một vài ngày tới, khu vực miền Trung sẽ có mưa to đến rất to. Khả năng lũ trên các sông sẽ lên trở lại. Trong đợt lũ mới này, các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức báo động 1; các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên ở mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngay trong ngày 12-12, song song với công tác khắc phục hậu quả của đợt lũ vừa qua, chính quyền các địa phương cùng người dân các địa phương ở miền Trung cũng triển khai công tác ứng phó với đợt mưa lũ mới. Trong đó, tập trung gia cố lại những hồ đập xung yếu bị hư hỏng, sạt lở; sửa chữa, chèn chống lại nhà cửa cho người dân bị hư hại do đợt mưa lũ vừa qua gây ra. Đặc biệt, sẵn sàng lên phương án di dời người dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tích trữ lương thực, nước uống, thuốc men phòng khi lũ dâng cao, cô lập nhiều ngày. 
  
Theo dự báo, nhiều khả năng 1, 2 ngày tới, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, bắt đầu từ 14 giờ 15 ngày 12-12, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã tiến hành xả lũ từ hồ Phú Ninh. 

Ngày 12-12, trước tình hình mưa, lũ diễn ra phức tạp tại một số tỉnh, thành miền Trung, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh ứng phó với mưa, lũ.

CÓ NƠI RÉT 2°C, MƯA LŨ GIA TĂNG VÌ KHÔNG KHÍ LẠNH

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 12-12, nền nhiệt độ ở Bắc bộ và Trung bộ đã giảm rất sâu tới ngưỡng rét đậm, rét hại và còn tiếp tục giảm thêm trong ngày 13-12. Tại Trung bộ, có nơi đã giảm chỉ còn 14-15oC, còn tại Sa Pa - Lào Cai là 6°C, tại Mẫu Sơn - Lạng Sơn còn 2°C.
 
Đến chiều 12-12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh ở Trung Trung bộ. Ở vịnh Bắc bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Không khí lạnh đã gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường mạnh, kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông trên cao nên có mưa lớn diện rộng ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khả năng kéo dài đến ngày 16-12. Tổng lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 500mm.

Dự báo không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Bắc bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất 10-13°C, vùng núi 8-10°C, vùng núi cao dưới 5oC. Đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài đến hết ngày 14-12.

Do tình hình mưa lũ, rét đậm phức tạp và để chủ động ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê điều, hạn chế tối đa thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất, chiều 12-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Tin cùng chuyên mục